Sốt xuất huyết thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Đây là bệnh do muỗi truyền, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cho đến nay, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết vector truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng.
Cán bộ y tế đi giám sát, đồng thời hướng dẫn người dân kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các vật dụng dễ bị bỏ qua. Ảnh: YÊN LAN |
Số ca mắc tăng
Sốt xuất huyết (SXH) lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố và có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tại Phú Yên, từ đầu năm 2024 đến ngày 7/6, toàn tỉnh ghi nhận 841 ca mắc SXH, tăng 110 ca so với cùng kỳ năm 2023. Có 43 ổ dịch SXH được ghi nhận, tăng 2 ổ dịch so với cùng kỳ năm trước.
Theo BSCKI Châu Trọng Phát, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), tình hình dịch bệnh SXH có số ca mắc tăng hơn so với cùng kỳ, trong đó một số địa phương có số ca mắc tăng như TX Đông Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh. Trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH.
Phú Yên CDC đã phối hợp với các địa phương tăng cường điều tra giám sát những vùng có ca bệnh và ổ dịch SXH để xử lý kịp thời. Tính đến tuần 23, TX Đông Hòa, huyện Tây Hòa và TP Tuy Hòa đã tổ chức tổng vệ sinh, diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động phòng chống SXH đợt I năm 2024. Trong tuần 24, huyện Phú Hòa và huyện Sông Hinh sẽ tổ chức tổng vệ sinh, diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động. Đây là những biện pháp chủ yếu phòng bệnh SXH. Các đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị để phòng chống dịch SXH trong trường hợp dịch bùng phát.
Để phòng chống SXH hiệu quả cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay tại hộ gia đình. Tại cuộc họp lần thứ 10, bộ trưởng y tế các nước ASEAN đã thống nhất lấy ngày 15/6 hằng năm là Ngày ASEAN phòng, chống SXH, thể hiện quyết tâm của cộng đồng ASEAN trong phòng, chống dịch bệnh này.
Chủ động phòng chống
Thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế, Sở Y tế Phú Yên đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 14 năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm loại bỏ các ổ chứa lăng quăng, giảm nhanh vector truyền bệnh, chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng phòng, chống SXH, bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng; huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia hoạt động diệt lăng quăng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh.
Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 14, Phú Yên CDC và các trung tâm y tế đều xây dựng kế hoạch với những hoạt động: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông lưu động, truyền thông tại hộ gia đình; đẩy mạnh các hoạt động tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất chủ động để xử lý triệt để những ổ dịch kéo dài, ổ dịch lan rộng.
Tại TX Đông Hòa - nơi gkkhi nhận 227 ca mắc SXH (tăng 86 ca so với cùng kỳ năm 2023), Trung tâm Y tế thị xã tăng cường triển khai các hoạt động của chiến dịch “Chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH”, phối hợp với trạm y tế các xã, phường ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân tổng vệ sinh diệt lăng quăng tại hộ gia đình; tổ chức giám sát hoạt động tổng vệ sinh, diệt lăng quăng, đồng thời chủ động giám sát dịch tễ SXH ở các vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ.
Tại huyện Tây Hòa - nơi phát hiện 235 ca mắc SXH (tăng 50 ca so với cùng kỳ), Trung tâm Y tế huyện tổ chức các hoạt động nhằm loại bỏ những ổ chứa lăng quăng, giảm nhanh vector truyền bệnh, chủ động phòng chống dịch bệnh SXH, đồng thời nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn huyện.
Bác sĩ Châu Trọng Phát cho biết: Mặc dù dịch bệnh SXH được kiểm soát nhưng hiện nay thường có mưa cùng với việc vệ sinh môi trường trong cộng đồng chưa tốt, còn nhiều vật dụng sinh hoạt, vật phế thải có khả năng chứa nước có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Để chủ động phòng chống SXH, người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế: Mỗi hộ gia đình dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín các lu, khạp, bể chứa…; thường xuyên thay nước ở các bình hoa, thả muối hoặc Abate vào chén nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, không cho muỗi đẻ trứng. Bên cạnh đó, bà con cần thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt.
YÊN LAN