Theo các chuyên gia về chấn thương - chỉnh hình, có thể nối thành công phần chi thể bị đứt rời do tai nạn nếu phần đứt rời được bảo quản đúng cách, nạn nhân và chi thể được đưa đến bệnh viện trong giờ vàng.
Nối cánh tay bị đứt lìa
Cánh tay phải của bệnh nhân sau phẫu thuật trồng nối chi thể. Ảnh: BVĐKPY |
Ngày 22/5, trong lúc lao động, ông Đ.T.T (49 tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa) bị máy cưa mâm cắt đứt cánh tay phải. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trong tình trạng choáng mất máu, cánh tay phải bị đứt lìa.
Ca phẫu thuật cấp cứu trồng nối lại chi thể bị đứt rời cho bệnh nhân Đ.T.T nhanh chóng được tiến hành, sau khi các thầy thuốc cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, đồng thời giải thích cho người nhà bệnh nhân.
Trong 3 giờ đồng hồ, ê kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Cao Quang Nhật, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, bác sĩ Vũ, bác sĩ Tuấn và bác sĩ Bảo (gây mê - hồi sức) đã phục hồi tất cả các thành phần bị đứt, gồm: kết hợp xương, khâu nối gân - cơ, khâu nối mạch máu - cả động mạch và tĩnh mạch, thần kinh và khâu da. Sau phẫu thuật, cánh tay phải của bệnh nhân hồng, mạch quay đập rõ.
Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phẫu thuật trồng nối lại chi thể bị đứt rời thành công. Các bác sĩ ở Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (trước đây là Khoa Ngoại chấn thương) đã phẫu thuật trồng nối thành công nhiều trường hợp bị đứt rời chi thể. Tất nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật trồng nối lại chi thể. Bác sĩ Cao Quang Nhật cho biết: “Trường hợp tổn thương nặng, chi thể bị dập nát nhiều thì không thể phẫu thuật trồng nối lại được”.
Đối với các bác sĩ, phẫu thuật viên chấn thương - chỉnh hình, khó nhất không phải là quá trình phẫu thuật, mà chính là đưa ra quyết định nối hay cắt bỏ chi thể. Nếu cắt bỏ thì bệnh nhân mất tay/chân, còn nối thì nếu chi thể không sống, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng - nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng.
Tầm quan trọng của việc bảo quản chi thể đúng cách
Theo các chuyên gia về chấn thương - chỉnh hình, kết quả phục hồi chức năng sau phẫu thuật trồng nối lại chi thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nguyên nhân tổn thương, hình thái tổn thương, đặc điểm đứt rời, cách bảo quản chi thể bị đứt rời và quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Như vậy, song song với việc giữ tính mạng cho nạn nhân trong khi gọi cấp cứu/đưa đến bệnh viện (bảo đảm đường thở luôn thông thoáng, hồi sinh tim phổi nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở, cầm máu...), việc bảo quản chi thể đúng cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định sự thành công của ca phẫu thuật trồng nối lại chi thể và khả năng hồi phục của chi thể.
Đối với chi thể bị đứt rời, hãy cho vào túi ni lông sạch, buột kín miệng túi để nước không thấm vào, sau đó đặt túi ni lông vô thùng đá lạnh, thau nước đá lạnh hoặc túi có chứa đá lạnh nhằm giảm quá trình chuyển hóa của mô, làm chậm quá trình hoại tử chi thể. Bác sĩ Cao Quang Nhật lưu ý: “Tuyệt đối không ngâm trực tiếp chi thể trong nước đá lạnh, vì sẽ làm hỏng chi thể. Đưa nạn nhân cùng chi thể đến bệnh viện càng sớm càng tốt”.
Trong trường hợp chi không đứt lìa hoàn toàn, hãy đặt chi ở tư thế bình thường, dùng băng ép/gạc vô khuẩn băng kín vết thương và đặt túi đá lạnh ở bên cạnh rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện. Lưu ý là không đặt túi đá lạnh trực tiếp lên vết thương.
Bác sĩ Cao Quang Nhật cho biết: Thời gian vàng để phẫu thuật trồng nối lại chi thể là dưới 6 tiếng đồng hồ kể từ khi chi thể bị đứt rời.
Sau phẫu thuật, chức năng của chi thể phục hồi phụ thuộc vào sự mọc lại của dây thần kinh cảm giác (mang thông điệp từ các bộ phận khác nhau của cơ thể đến não để báo hiệu cơn đau, áp lực, nhiệt độ) và dây thần kinh vận động (mang thông điệp từ não đến cơ bắp để làm cho cơ thể di chuyển). Sau phẫu thuật trồng nối lại chi thể, bệnh nhân cần được phục hồi chức năng sớm, đúng cách và đầy đủ nhằm tránh những di chứng.
YÊN LAN