Đây là kết luận từ nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phối hợp thực hiện cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Victoria và Viện Daffodil (Australia) công bố.
Chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thanh toán ung thư cổ tử cung vào năm 2030 kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện tiêm vaccine ngừa HPV cho 90% trẻ em gái trước 15 tuổi. “Chúng ta cũng cần đảm bảo 70% phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung. Và chúng ta cũng cần hướng đến mục tiêu đảm bảo 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư hoặc ung thư có thể tiếp cận các phương pháp điều trị”, Trưởng đại diện UNFPA Naomi Kitahara nói.
UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác triển khai thực hiện tiêm vaccine phòng HPV tại Việt Nam, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của phụ nữ Việt Nam, thúc đẩy nỗ lực hướng tới một tương lai không còn căn bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.
LÊ HÀ (tổng hợp)