Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023, nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; nâng cao năng lực phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn...
Báo Phú Yên trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên Lê Sỹ Kim về Tháng hành động vì ATTP năm nay. Ông Lê Sỹ Kim cho biết:
- Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 có chủ đề “Đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới”, diễn ra từ ngày 15/4-15/5. Trong tháng hành động này, công tác truyền thông được đẩy mạnh. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời xã hội hóa hoạt động tuyên truyền trực quan với sự tham gia của các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Qua công tác tuyên truyền, những người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm hiểu rõ các quy định về ATTP, ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật về ATTP...
Song song với hoạt động truyền thông là công tác thanh tra, kiểm tra. Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra. Đoàn do Sở Y tế chủ trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm do cấp tỉnh quản lý tại 3 địa phương: TX Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân. Đoàn kiểm tra do Sở Công Thương chủ trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và huyện Sơn Hòa. Đoàn kiểm tra do Sở NN&PTNT chủ trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại huyện Sông Hinh, huyện Tây Hòa và TX Đông Hòa. Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số cơ sở còn thiếu sót thì đoàn kiểm tra nhắc nhở, có sai phạm thì xử phạt. Ví dụ như về dịch vụ ăn uống, một số nhà hàng thực hiện chưa tốt việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm theo quy định, đoàn đã xử phạt.
Ông Lê Sỹ Kim |
* Thưa ông, làm thế nào ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong mùa nắng nóng?
- Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, trước hết chúng ta phải truyền thông để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như người dân biết, sử dụng nguyên liệu/thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; khi chế biến thì nấu chín kỹ thực phẩm và bảo quản thực phẩm đúng cách sau chế biến.
Lưu ý là người dân tuyệt đối không được ăn cá nóc hay các loại thủy hải sản lạ, nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không hái nấm non chưa xòe mũ vì khi đó nấm chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.
Nhìn chung, những năm gần đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được các ban ngành cũng như người dân quan tâm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
* Thức ăn đường phố là một trong những mối quan tâm của nhiều người. Làm thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thưa ông?
- Theo phân cấp, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố do phường, xã quản lý. Hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên có công văn hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP xã, phường đã hướng dẫn, yêu cầu những người kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; người chế biến, kinh doanh phải khám sức khỏe định kỳ theo quy định và được cập nhật kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
* Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm an toàn cho sức khỏe?
- Người dân cần có kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi mua rau củ quả, bà con nên lựa chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ. Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như quá mập.
Những loại rau quả ít có thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Bà con nên thận trọng với rau muống, rau ngót, xà lách, rau cải các loại. Tốt nhất là mùa nào dùng rau đó, sẽ ít có nguy cơ nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật.
Khi mua thịt, nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, khô; không mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, màng ngoài nhớt; không mua các loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh. Với thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có quầy bán đảm bảo vệ sinh, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Không nên mua nếu sản phẩm không được bảo quản trong tủ che đậy kín hoặc có màu sắc lòe loẹt, có mùi lạ.
Ngoài việc lựa chọn nguyên liệu, cách chế biến thực phẩm cũng phải an toàn: Sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn. Trong quá trình chế biến, cần giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn, tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn, như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín. Thực hiện ăn chín, uống chín, nấu kỹ món ăn trước khi sử dụng, hạn chế sử dụng các sản phẩm thủy sản dạng tái, ăn sống mà không qua chế biến bằng nhiệt độ cao. Ăn ngay sau khi nấu xong. Các thức ăn đã nấu chín cần phải bảo quản, che đậy cẩn thận để tránh côn trùng và các động vật gây hại khác. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và cần phải được đun kỹ.
* Xin cảm ơn ông!
Bà con nên mua thực phẩm tại các quầy, cửa hàng, siêu thị có uy tín; không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có địa chỉ công ty/doanh nghiệp sản xuất; không mua sản phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng, bao bì sản phẩm bị phồng, dị dạng, không in rõ ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng. |
YÊN LAN (thực hiện)