Thứ Năm, 10/10/2024 22:18 CH
Hóc dị vật ở trẻ: Hậu quả khó lường
Thứ Hai, 30/06/2008 11:28 SA

Trẻ nhỏ tò mò và chưa hiểu biết, thấy bất cứ vật gì đều cho vào miệng ngậm rồi nuốt. Hậu quả của tai nạn này rất khó lường.

 

di-vat-080630.jpg

Chỉ cho trẻ những vật có thể bị hóc - Ảnh: P.V

 

Hai năm trước, một bé trai 10 tuổi ở xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) tử vong vì hóc dị vật. Em bị hóc xương cá nhưng người nhà không phát hiện, khi đưa con đi bệnh viện thì ổ họng em đã bị làm mủ, không kịp cứu chữa.

 

Anh Lê Ngọc Hoàng, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đang sửa ti vi. Cậu bé con anh nhặt luôn chiếc ốc vít ngậm vào miệng. Thấy thế, anh quát con làm cậu bé giật mình, hoảng sợ. Đáng lẽ phải nhả ra thì cháu lại nuốt vào và bị tắc thở. Cháu bé được chở đi cấp cứu kịp thời, nhưng phải sau 2 giờ nỗ lực, các bác sĩ mới lấy được chiếc ốc vít ra khỏi họng cháu.

 

Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận khoảng 30 trường hợp trẻ bị tai nạn hóc, nghẹn, sặc gây ngạt thở. Nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt, tắc đường thở thường do người nhà sơ ý để các đồ vật như đồng xu, các loại pin tiểu… trong tầm với của các cháu; người lớn cho trẻ ăn trái cây nhưng chưa lấy hết hạt; do trẻ bị ép ăn, uống sữa hay thuốc quá mức khiến sặc vào khí quản.

 

Bác sĩ  Đặng Thanh Hùng, Trưởng khoa Tai – Mũi - Họng Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Trẻ bị hóc dị vật thường nhập viện trong tình trạng tím tái với các biểu hiện khó thở, khò khè. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể bị tử vong. Một số trẻ bị tai nạn này may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt,  nhưng sự ngừng thở kéo dài gây ra thiếu o xy não, dẫn đến bị di chứng não và phải sống đời sống thực vật”. Cũng theo BS Hùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên hiện chỉ lấy được dị vật đường ăn bằng nội soi nguồn sáng lạnh hiện đại. Những trường hợp bị hóc dị vật đường thở phải mở khí quản và chuyển tuyến vì  bệnh viện chưa có bộ dụng cụ soi thanh, phế, khí quản.

 

BS Hùng cho biết, trẻ bị hóc dị vật đường thực quản thường có biểu hiện mắc nghẹn, hốt hoảng, khó thở, khóc thét lên. Khi dị vật đã đi qua khỏi thực quản, thì các triệu chứng trên sẽ hết. Đây còn gọi là hóc dị vật ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua”. Thấy trẻ trở lại bình thường, cha mẹ chủ quan. Nhưng sau đó, trẻ sẽ bứt rứt, khó thở hoặc khò khè, ho dai dẳng… do dị vật nằm trong thanh quản, khí quản làm nhiều người nhầm với bệnh viêm phổi, viêm phế quản nên  điều trị không đúng cách.

 

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Tương Lai cho biết: Sai lầm lớn nhất mà các bậc cha mẹ nên tránh là khi trẻ biếng ăn thì không được bịt mũi để ép trẻ mở miệng. Khi trẻ bị hóc, nghẹn thức ăn, đồ chơi… tuyệt đối không được đưa tay vào móc ra. Cách làm  này vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn và nếu dị vật tròn, thì lại càng nguy hiểm cho tính mạng. Trẻ vốn hiếu động nên cha mẹ phải đặc biệt chú ý bảo vệ trẻ, chỉ lơ là một chút hậu quả sẽ khó lường.

 

Sơ cứu khi trẻ bị hóc đường thở

 

Nguyên tắc sơ cứu chung khi trẻ bị ngạt, tắc đường thở là nhanh chóng lấy dị vật ra khỏi mũi, miệng trẻ để làm thông đường thở. Tùy vào từng lứa tuổi mà kỹ thuật sơ cứu hóc, nghẹn, tắc đường thở sẽ khác nhau.

 

Đối với trẻ sơ sinh:

 

Để trẻ nằm sấp dọc cánh tay bạn, đầu trẻ thấp hơn ngực. Một tay đỡ đầu và vai của bé. Tay kia vỗ mạnh vào lưng của bé đến khi dị vật bắn ra ngoài. Chú ý không được vỗ quá mạnh làm tổn thương bé. Đối với trường hợp trẻ sặc bột, sữa người lớn cần nhanh chóng ngậm miệng vào mũi trẻ hút thật mạnh để làm thông đường thở của trẻ. Nếu làm như trên không hiệu quả, bé bị bất tỉnh, thì làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt qua miệng-mũi, hoặc miệng- miệng để thổi dị vật, hạn chế thấp nhất việc dị vật làm cản đường thở của trẻ.

 

Nếu trẻ bị tắc đường thở, lập tức làm như sau:

 

Ngồi hoặc nằm xuống để trẻ nằm sấp lên đùi bạn, đầu trẻ thấp hơn vai chúng (không để đầu chúc xuống quá vì vật lạ khi lọt ra dễ chui vào mũi). Vỗ nhanh 1-5 cái lên vùng lưng, giữa hai bả vai của trẻ, giúp vật lạ bắn ra ngoài.

 

Tư thế nằm ngửa: cho trẻ nằm dọc theo một cẳng tay người cứu (bàn tay này giữ đầu trẻ). Đặt hai ngón tay của bàn tay còn lại lên vùng ngực, giữa hai núm vú của trẻ. Dùng sức đẩy của cánh tay người cứu ấn nhanh và mạnh 4 cái liên tục. Nếu chưa có hiệu quả, có thể thực hiện tiếp tục 4 -5 lần. Mọi thao tác phải thực hiện nhanh, dứt khoát, không quá mạnh.

 

Nếu trẻ bất tỉnh, cần làm ngay hô hấp nhân tạo cho trẻ. Để trẻ nằm nơi thoáng đãng, nới bớt quần áo, mũ, khăn. Người cấp cứu quỳ cạnh trẻ, mở rộng miệng, một tay bịt mũi trẻ trong lúc dùng miệng hà hơi vào miệng trẻ (thực hiện 20-25 lần/phút) cho tới khi trẻ thở được và da hồng hào.

 

Các trường hợp sơ cứu như trên nếu không có kết quả, dị vật không bắn ra khỏi đường thở của trẻ và trẻ có những biểu hiện không thể ho hoặc phát ra thành tiếng, môi, lưỡi bắt đầu tím tái, mạch máu ở mặt và cổ nổi lên,  bị bất tỉnh, hôn mê… thì phải chuyển ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

 

(Theo “66 câu giải đáp về Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”)

 

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek