Thứ Sáu, 11/10/2024 02:26 SA
Xét nghiệm HbA1c để tiên lượng biến chứng ở người bệnh tiểu đường
Thứ Hai, 16/06/2008 14:27 CH

Để đánh giá đường huyết có được kiểm soát tốt hay không trong một quá trình và tiên lượng về biến chứng, người bệnh cần làm xét nghiệm HbA1c, tức là đo tỉ lệ huyết sắc tố A1c trong hồng cầu. HbA1c là các huyết sắc tố Haemoglobin gắn kết với đường glucose trong máu. Do tế bào hồng cầu có tuổi thọ là 120 ngày nên xét nghiệm HbA1c có giá trị thông báo mức đường máu của 3 tháng gần nhất.

 

duong-huyet-080616.jpg

Người bị bệnh tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu – Ảnh: T.LIỆU

 

NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

 

Tùy theo mức độ tiết insulin của tuyến tụy mà người ta chia bệnh tiểu đường (TĐ) thành TĐ týp I hay TĐ týp II. TĐ týp I là tuyến tụy không sản xuất được insulin (còn gọi là TĐ phụ thuộc insulin), loại này thường gặp ở lứa tuổi trẻ và điều trị chủ yếu bằng sử dụng insulin. Còn TĐ týp II là loại tuyến tụy vẫn còn tiết được insulin, nhưng lượng insulin không đủ hoặc khả năng đáp ứng với insulin của tế bào kém, loại này hay gặp ở những người trên 40 tuổi. Đối với TĐ týp II điều trị bằng thay đổi chế độ ăn kết hợp với luyện tập thể dục thể thao cũng có thể khống chế được, chỉ sử dụng thuốc hạ đường huyết khi tiết chế, luyện tập không đáp ứng. Song song với 2 loại TĐ trên, gần đây người ta còn phát hiện thêm một thể bệnh nữa gọi là TĐ thai nghén, thể này chỉ xảy ra khi mang thai, hết mang thai thì TĐ cũng chấm dứt.

 

Nếp sống công nghiệp, sử dụng thức ăn nhanh, nhiều bia rượu, theo thay đổi điều kiện sống  như ngồi nhiều trong văn phòng, ít vận động tay chân… đã làm gia tăng đáng kể người béo phì, vì thế bệnh TĐ cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay tỉ lệ mắc TĐ ở Việt Nam dao động từ 1,5-2,7% dân số.

 

Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam cho biết, bệnh TĐ gây nhiều biến chứng nặng lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não do xơ vữa động mạch, hoại tử chi phải cắt cụt, suy thận, mù mắt… Do bệnh phát triển âm thầm nên khi phát hiện bị tiểu đường, 50% trường hợp đã có biến chứng.

 

NÊN LÀM XÉT NGHIỆM HbA1c

 

Trong việc kiểm soát bệnh TĐ, người Việt Nam hầu như chỉ để ý đến xét nghiệm đường huyết lúc đói và sau khi ăn 2 giờ, cũng có người xét nghiệm thêm trước khi ăn và trước khi đi ngủ để điều chỉnh đường huyết. Các chỉ số này chỉ cung cấp thông tin về lượng đường huyết ngay tại thời điểm thử, do vậy mức đường huyết lúc đó thấp không đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt thực sự và không có biến chứng.

 

Để đánh giá đường huyết có được kiểm soát tốt hay không trong một quá trình và tiên lượng về biến chứng, người bệnh cần làm xét nghiệm HbA1c, tức là đo tỉ lệ huyết sắc tố A1c trong hồng cầu. HbA1c là các huyết sắc tố Haemoglobin gắn kết với đường glucose trong máu. Càng có nhiều đường trong máu thì HbA1c hiện diện càng nhiều. Do tế bào hồng cầu có tuổi thọ là 120 ngày nên xét nghiệm HbA1c có giá trị thông báo mức đường máu của 3 tháng gần nhất.

 

Do đó, HbA1c không chỉ đánh giá kết quả điều trị của bệnh nhân trong 3 tháng qua mà còn cho biết về sự xuất hiện biến chứng. Chỉ số này cao chứng tỏ bệnh nhân đã hoặc sắp có biến chứng rất nặng (người bình thường HbA1c nằm trong khoảng 5-6% là tốt). Với người lần đầu phát hiện bệnh tiểu đường, xét nghiệm này rất có ích trong việc đánh giá bệnh đã ở mức độ nào, điều mà chỉ số đường huyết lúc đói không thể “ nói lên” được.

 

Cũng theo Giáo sư Trần Văn Thọ, hiện chỉ có khoảng 18% số bệnh nhân tiểu đường đang điều trị ở Việt Nam kiểm soát tốt HbA1c. Bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn trong một vài ngày là có thể giảm mức đường huyết lúc đói, nhưng chỉ số HbA1c chỉ giảm khi bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện, thuốc thang trong vài tháng. Vì vậy đây là chỉ số trung thực nhất để đánh giá kết quả điều trị.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó trưởng khoa Nội tiết của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, chỉ cần giảm 1% HbA1c bệnh nhân đã bớt được 43% nguy cơ cắt cụt chi, 37% nguy cơ suy thận, mù mắt và giảm đáng kể các biến chứng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

               

BS NGUYỄN VINH QUANG

(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek