Thứ Sáu, 11/10/2024 12:26 CH
Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng
Thứ Hai, 26/05/2008 14:47 CH

Hằng năm, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Bộ Y tế tổ chức Ngày Vi chất dinh dưỡng 1-2/6. Trong những ngày này, các hoạt động dinh dưỡng được triển khai gồm: cho tất cả trẻ em từ 6-36 tháng tuổi uống viên nang vitamin A liều cao (ở những vùng khó khăn, có thể cho uống đến trẻ dưới 5 tuổi), tổ chức cân theo dõi sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi; truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng nói chung, trong đó nhấn mạnh phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD).

 

080526-trinh-dien.jpg

Việc trình diễn dinh dưỡng giúp các bà mẹ biết cách tổ chức bữa ăn hợp lý cho trẻ, phòng thiếu vi chất dinh dưỡng -  T.THỦY

 

VAI TRÒ CỦA CÁC VI CHẤT DINH DƯỠNG

 

Cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột, đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Với các vitamin và khoáng chất (VCDD) cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ hằng ngày, nhưng không thể thiếu. Các VCDD thường phải được bổ sung qua thức ăn, cơ thể không tự tổng hợp được. Thông thường, nếu bữa ăn gia đình có đủ cơm, rau quả, cá hoặc thịt, tôm, trứng, dầu mỡ…, ăn thay đổi nhiều loại thực phẩm khác nhau là có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng kể cả VCDD cho nhu cầu cơ thể.

 

Tuy nhiên một số tình huống có thể làm phát sinh nguy cơ thiếu VCDD, ví dụ: gia tăng nhu cầu như ở trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con bú; giảm hấp thu do bệnh mạn tính như trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng; thiếu ăn hoặc ăn uống không đúng cách.

 

Ba vi chất: vitamin A, sắt, iốt hiện được chú trọng nhiều hơn vì tình trạng thiếu 3 vi chất này đang tồn tại ở nhiều đối tượng, nhất là trẻ em và bà mẹ, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng giống nòi. Mặc dù tình trạng thiếu ba VCDD này đã được phòng ngừa hiệu quả trong những năm qua, nhưng hoạt động phòng chống vẫn sẽ được tiếp tục, vì tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn còn cao, nhiều trẻ em, bà mẹ ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn vẫn chưa có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, nhiều bà mẹ vẫn chưa biết cách tạo được một bữa ăn hợp lý.

 

HẬU QUẢ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

 

Thiếu sắt gây thiếu máu, làm giảm khả năng lao động và học tập, trẻ em chậm lớn. Phụ nữ có thai thiếu máu dễ gây sẩy thai, đẻ non, băng huyết, đẻ con nhỏ, yếu.

 

Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn, dễ mắc bệnh và tăng nguy cơ tử vong, thiếu nặng có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

 

Thiếu iốt  ở phụ nữ có thai cũng làm thai kém phát triển, tăng nguy cơ đẻ non. Trẻ em bị thiếu iốt sẽ chậm phát triển thể lực và trí tuệ, gây đần độn, bướu cổ.

 

Thiếu kẽm: chiều cao kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ nhão.

 

Thiếu vitamin C: lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt, kém hoạt động.

 

Thiếu vitamin D và canxi: chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, ra nhiều mồ hôi trộm, nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy.

 

Thiếu vitamin B: phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn.

 

Thiếu các VCDD vừa kể ít xảy ra riêng lẻ mà hay gặp trong tình trạng thiếu dinh dưỡng chung.

 

Để phòng thiếu các VCDD nói chung cũng như phòng thiếu vitamin A, sắt, iốt, cần thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ em như sau:

 

- Bà mẹ mang thai cần ăn uống đầy đủ, lao động và nghỉ ngơi hợp lý; uống viên sắt đều đặn (mỗi ngày uống 1 viên sắt/folic loại 200mg) để phòng chống thiếu máu.

 

- Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

 

- Từ tháng thứ 6, ngoài bú mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung bằng bột gạo kết hợp với các loại thực phẩm như thịt hoặc cá, trứng, sữa, đậu đỗ, vừng lạc rau xanh và dầu hoặc mỡ. Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày.

 

- Bát bột của trẻ cần có thêm dầu hoặc mỡ để cung cấp thêm năng lượng và giúp hấp thu, sử dụng tốt vitamin A và nhiều vitamin khác.

 

- Trẻ từ 6-36 tháng tuổi, bà mẹ ngay sau sinh cần được uống vitamin A liều cao được cấp phát tại các trạm y tế xã, phường.

 

- Bữa ăn gia đình, bữa ăn của trẻ cần thường xuyên thay đổi, kết hợp nhiều loại thực phẩm sẵn có sẽ bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng, phòng thiếu các vi chất dinh dưỡng

 

- Mọi người sử dụng muối iốt thay cho muối thường trong chế biến bữa ăn hằng ngày.

 

- Thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống chín để phòng nhiễm giun sán và các dịch bệnh đường tiêu hóa.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek