Đái tháo đường (ĐTĐ) nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm thì sẽ dẫn đến biến chứng cho các cơ quan quan trọng của cơ thể và nguy cơ tàn phế hay tử vong.
ĐTĐ là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa glucide dẫn đến mức đường (glucose) trong máu gia tăng, dần dần phá hủy các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng các cơ quan sinh tử của cơ thể như tim, thận, não, võng mạc... Các mạch máu bị tổn thương làm cho các cơ quan này bị suy, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi.
Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy 40% các trường hợp suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo là hậu quả của ĐTĐ; 75% các đột quỵ do tim mạch là hậu quả của ĐTĐ; các trường hợp mù do tổn thương võng mạc và cắt cụt chi do ĐTĐ chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 600 triệu người bị ĐTĐ, còn ở Việt Nam các nghiên cứu cho thấy khoảng 5-5,7% dân số, tức là trên 5-6 triệu người bị ĐTĐ. Nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho thấy có hơn 60% các bệnh nhân ĐTĐ không được chẩn đoán sớm và điều trị sớm. Như vậy số bệnh nhân bị ĐTĐ trên thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu được công bố.
Về cơ chế bệnh sinh, ĐTĐ do tuyến tụy không tiết hoặc tiết không đủ insulin (hóc môn chuyển hóa glucose thành năng lượng, CO2 và H2O; năng lượng giúp cho tế bào hoạt động; CO2, H2O đào thải ra ngoài, quá trình này gọi là chu trình Krebs hay quá trình đường phân). Còn lý do tại sao tuyến tụy không tiết hay tiết không đủ insulin thì cho đến nay khoa học vẫn chưa chứng minh một cách đầy đủ, chỉ biết rằng có liên quan đến nhiều yếu tố như tụy bị viêm nhiễm, chế độ ăn, sinh hoạt, lười vận động thể lực, béo phì và một số yếu tố về cơ địa, chủng tộc... Căn cứ vào mức độ tuyến tụy tiết insulin, người ta chia thành 2 loại ĐTĐ: ĐTĐ týp 1 là loại tụy không tiết insulin vì vậy phải đưa insulin từ ngoài vào (tiêm insulin) hay còn gọi là ĐTĐ phụ thuộc insulin; ĐTĐ týp 2 là loại tụy vẫn tiết insulin nhưng không đủ để chuyển hóa đường, loại này còn được gọi là ĐTĐ không phụ thuộc insulin. ĐTĐ týp 2 chiếm 90% các trường hợp bị ĐTĐ. Ngoài ra, còn một số bệnh nhân trong quá trình mang thai bị ĐTĐ gọi là ĐTĐ thai nghén, loại này sau khi sinh đường huyết sẽ ổn định.
Dù là ĐTĐ týp 1 hay týp 2, nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm thì sẽ dẫn đến biến chứng cho các cơ quan quan trọng của cơ thể và nguy cơ tàn phế hay tử vong.
Bệnh nhân ĐTĐ týp 2 nếu được phát hiện sớm, điều trị tốt thì tuổi thọ của họ chênh lệch không đáng kể so với người không bị bệnh. Nếu phát hiện sớm, nhiều bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn cùng với vận động thể lực hợp lý là có thể điều chỉnh được mức đường huyết ổn định. Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, các thuốc điều trị ĐTĐ rất phong phú. Tùy theo cơ địa của bệnh nhân, các thầy thuốc sẽ chỉ định sử dụng thuốc hiệu quả cho bệnh nhân.
ĐTĐ là bệnh lý mãn tính do rối loạn chuyển hóa, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Mục tiêu của việc điều trị ĐTĐ là duy trì mức đường huyết an toàn, hạn chế biến chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Điều trị ĐTĐ có 3 phương pháp: thay đổi chế độ ăn hợp lý, vận động thể lực và sử dụng thuốc. Tùy theo mức độ và tình trạng bệnh lý, thầy thuốc sẽ có biện pháp điều trị hiệu quả. Chẩn đoán sớm, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và sử dụng thuốc đúng sẽ nâng cao hiệu quả điều trị.
Chủ đề Ngày ĐTĐ thế giới (14/11) năm 2020 là “Điều dưỡng với bệnh ĐTĐ”. Với thông điệp này, Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội ĐTĐ thế giới muốn nhấn mạnh đến vai trò của điều dưỡng với bệnh lý ĐTĐ. |
BS NGUYỄN VINH QUANG