Thứ Bảy, 21/09/2024 16:49 CH
Trị bệnh bằng những phương thức cổ xưa
Thứ Hai, 09/11/2020 11:00 SA

Một bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp giác hơi tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Vận dụng những phương thức trị liệu cổ xưa như giác hơi bằng ống tre, bó thuốc, ngâm chân…, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên điều trị có hiệu quả một số chứng bệnh, được bệnh nhân tin tưởng.

 

1 Giác hơi (hỏa liệu pháp) là một phương pháp trị liệu độc đáo, dùng áp suất âm trong ống giác nhằm gây sung huyết tại chỗ để giải độc, phòng chữa một số bệnh.

 

BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên cho biết, theo Đông y, giác hơi giúp điều chỉnh âm dương, phù chính khu tà, sơ kinh thông lạc, hoạt huyết khứ ứ, giải trừ đau nhức, từ đó điều chỉnh chức năng của cơ thể. Theo Tây y, giác hơi có tác dụng kích thích cơ học, kích thích nhiệt độ, tăng cường chức năng tiêu diệt mầm bệnh của bạch cầu, chống viêm. “Hiện tại, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên áp dụng phương pháp giác hơi điều trị một số bệnh: cảm lạnh, đau nhức, đau mỏi cơ khớp”, bác sĩ Tuấn cho biết.

 

Theo y văn, có 3 phương pháp giác hơi, gồm giác hơi “khô”, giác hơi “khí” và giác hơi “ướt”. Phổ biến nhất là giác hơi “khô”: Thầy thuốc dùng một que lửa làm nóng bên ống giác rồi nhanh chóng úp vào da bệnh nhân, tạo lực hút. Giác hơi “ướt” là sự kết hợp giữa lực hút và dùng kim chích lên da lấy máu (ít phổ biến hơn)…

 

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, các thầy thuốc thực hiện hỏa liệu pháp bằng những chiếc ống tre thay vì cốc giác hơi như thường thấy. Theo BSCKI Phan Thị Ái Ly (Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên), giác hơi bằng ống tre thì lực hút mạnh hơn, giúp bệnh nhân giảm đau nhiều hơn. Mặt khác, vì miệng ống tre có khả năng dẫn nhiệt thấp nên mức độ sang thương da nơi giác hơi ít hơn khi thực hiện phương pháp này bằng cốc thủy tinh.

 

Bác sĩ Ái Ly cho biết, phương pháp giác hơi hiệu quả nhất trong điều trị cảm do phong hàn, đau nhức… Khoảng một phần ba bệnh nhân ở khoa được điều trị bằng phương pháp này. Bệnh nhân được giác hơi bằng ống tre mỗi ngày một lần, trong vòng 15-20 phút; một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày.

 

Bà T.T.T (trú xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) bị đau lan từ lưng đến bắp chân, không đi lại được. “Nghe người ta bày, tôi tới Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Được giác hơi 3 lần, tôi thấy đỡ đau, khỏe ra”, bà T cho biết. Bác sĩ Trần Hữu Tuấn cho biết, phương pháp giác hơi có một số chống chỉ định đối với người bệnh tâm thần, người bị sốt cao, co giật, da mất tính đàn hồi, da quá mẫn cảm, suy giãn tĩnh mạch…

 

2 Ngoài giác hơi, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên còn có những phương thức điều trị đơn giản mà hiệu quả, được bệnh nhân đánh giá cao như bó thuốc nam, ngâm chân. Theo y học cổ truyền, lòng bàn chân có hàng trăm huyệt đạo, được ví như bản đồ của cơ thể. Phương thức ngâm chân tác động vào các huyệt ở lòng bàn chân ứng với lục phủ ngũ tạng, giúp đả thông kinh lạc bị tắc nghẽn, tăng cường lưu thông máu, cải thiện việc trao đổi chất, tăng sức đề kháng, chữa được một số bệnh tật, trong đó có đau khớp, căng thẳng thần kinh, mất ngủ, suy nhược cơ thể… Còn phương thức bó thuốc nam giúp giảm cơn đau cấp do thuốc tác động vào các huyệt tương ứng với vị trí đau; bệnh nhân ngủ được, tinh thần sảng khoái. Không những thế, phương pháp bó thuốc nam còn điều trị một số bệnh. Ngay cả những trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt, nếu bó thuốc trên vùng bụng thì sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt.

 

“Trong việc sử dụng thuốc, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên kết hợp đông - tây y. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường sử dụng những phương thuốc tại địa phương, tại Việt Nam đã khẳng định giá trị qua các đề tài nghiên cứu khoa học của các chuyên gia đầu ngành, thay thế dần dược liệu từ nước ngoài”, bác sĩ Trần Hữu Tuấn cho biết.

 

Trong việc sử dụng thuốc, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên kết hợp đông - tây y. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường sử dụng những phương thuốc tại địa phương, tại Việt Nam đã khẳng định giá trị qua các đề tài nghiên cứu khoa học của các chuyên gia đầu ngành, thay thế dần dược liệu từ nước ngoài.

 

BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên

 

 YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek