Chủ Nhật, 24/11/2024 05:21 SA
Những thách thức trong phòng chống dịch bệnh mùa thu - đông
Thứ Hai, 02/11/2020 14:57 CH

Vào mùa thu - đông, nhiều dịch bệnh có nguy cơ xảy ra và bùng phát trên diện rộng nếu không được phát hiện và dập tắt kịp thời. Sự chuyển mùa làm cho khí hậu thay đổi, tạo điều kiện cho nhiều vi sinh vật phát triển, trong đó có các vi sinh vật gây bệnh và trung gian truyền bệnh. Việc dự báo và triển khai các biện pháp dự phòng có ý nghĩa rất lớn trong khống chế và dập tắt dịch bệnh.

 

Hoạt động phòng chống dịch bệnh đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn và sự tuân thủ, thực hiện của người dân. Phòng chống dịch bệnh phải phối hợp nhiều biện pháp và mọi người đều tuân thủ thực hiện một cách nghiêm túc mới đạt hiệu quả cao.

 

Hiện nay, bên cạnh COVID-19, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, sốt rét đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương và đã có trường hợp tử vong. Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, cùng với diễn biến bất thường của thời tiết làm gia tăng các tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm là không nhỏ. Vì vậy, để duy trì và phát huy hiệu quả phòng chống COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

 

- Thực hiện Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế). 5K không chỉ có tác dụng phòng chống COVID-19 mà còn phòng chống các dịch bệnh khác, nhất là bệnh về đường hô hấp.

 

- Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch nhằm phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa.

 

- Ăn chín, uống chín phòng ngừa các bệnh như rối loạn tiêu hóa, lỵ, tả, ngộ độc thực phẩm. Vào mùa thu - đông độ ẩm cao, các loại thức ăn nước uống dễ bị hư hỏng, mất vệ sinh, đặc biệt các nguyên liệu dùng để chế biến món ăn rất dễ nhiễm các tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, do mưa nhiều nên nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm, nếu không ăn chín, uống chín thì dễ nhiễm bệnh.

 

- Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh nơi ở, tránh để ao tù nước đọng sẽ tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng, trong đó có muỗi trung gian truyền bệnh SXH, sốt rét. Nơi ở phải thông thoáng, tránh ẩm mốc. Thường xuyên lau sàn nhà bằng nước lau sàn hay nước xà phòng; diệt muỗi bằng vợt muỗi, nhang xua muỗi.

 

- Sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng, nhất là người già và trẻ em, người có bệnh lý mãn tính. Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, không thức khuya, dậy sớm, nhất là không đi ra ngoài trời khi trời mưa hay nhiệt độ thấp. Nếu bắt buộc phải ra ngoài khi trời mưa thì mặc áo mưa, mặc ấm che kín vùng ngực, cổ và đeo khẩu trang che mũi, miệng. Không nên tập thể dục quá sớm khi trời lạnh, nên vận động trước khi tập 10-15 phút để cơ thể thích nghi...

 

- Không lạm dụng các chất kích thích như cà phê, bia, rượu.

 

Nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư đều thực hiện tốt các biện pháp trên thì sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek