Bệnh dại là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Nguy hiểm vì khi bị bệnh dại, chắc chắn người bệnh tử vong.
Hàng năm ở nước ta có hàng chục, thậm chí hàng trăm người tử vong do bệnh dại, mặc dù các cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều và tuyên truyền rộng rãi để người dân phòng ngừa. Chúng ta đã biết bệnh dại là từ chó mèo và một số động vật hoang dã khác bị dại truyền sang người qua vết cắn hay nước bọt của động vật bị dại dính vào vết thương do chó mèo bị dại liếm. Phần lớn bệnh nhân bị dại là do chó dại cắn lây bệnh cho người. Chúng ta đã có biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh; trường hợp vết thương do chó mèo cắn phức tạp, gần hệ thần kinh trung ương... thì phối hợp tiêm vắc xin với huyết thanh kháng dại. Vậy mà năm nào cũng có người bị dại và tử vong do dại. Tại Phú Yên, hàng năm vẫn có vài người mắc bệnh dại và tử vong.
Để phòng ngừa bệnh dại, trước hết phải quản lý chó nuôi, không để chó cắn; còn khi bị chó cắn thì đi tiêm phòng ngừa dại. Nói thì đơn giản nhưng xem ra thực hiện được cũng không đơn giản chút nào!
Người Việt Nam nuôi chó với nhiều mục đích khác nhau, nhưng phần lớn thường để chó chạy rông. Vì vậy, để chó được tiêm chủng đầy đủ là rất khó. Ở thành thị, chó đa phần là thú cưng nên người nuôi chú ý đến việc tiêm chủng tốt hơn ở nông thôn. Tuy nhiên, việc thông báo cho cơ quan thú y khi chó sinh sản hay khi mua chó về chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, cơ quan thú y và cơ quan quản lý rất khó thống kê số lượng đàn chó nuôi. Vì không nắm được số lượng chó có trên địa bàn nên cơ quan thú y không thể tiêm chủng đầy đủ cho chó được. Về mặt chuyên môn, để tạo được miễn dịch thì đàn chó đó phải được tiêm chủng trên 80%. Số liệu thống kê ở Phú Yên cho thấy cơ quan thú y chỉ thống kê được khoảng 30-40% số chó thực tế và cũng chỉ tiêm chủng được khoảng 40% số chó được thống kê. Như vậy trên thực tế, số chó được tiêm chủng chiếm tỉ lệ rất thấp. Đây chính là nguy cơ chó bị dại cao và người sẽ mắc bệnh khi bị chó cắn.
Bên cạnh đó, thói quen nuôi thả rông, đưa chó ra ngoài không đeo rọ mõm khá phổ biến ở Phú Yên, từ nông thôn đến thành thị. Ngay tại TP Tuy Hòa, chó không có chủ đi cùng hay chủ đưa chó đi dạo không đeo rọ mõm là hình ảnh rất phổ biến trên đường.
Vì sao tình trạng để chó chạy rông, không đeo rọ mõm khá phổ biến như hiện nay? Phải chăng người nuôi chó không hiểu về mức độ nguy hiểm của chó cắn hay họ xem thường sức khỏe của cộng đồng và của chính gia đình mình? Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y. Có người hỏi tôi: Đeo rọ mõm cho chó sao khó vậy? Chẳng có gì khó cả, khó ở ý thức của các chủ chó mà thôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt hành chính đúng theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP. Chắc chắn nguy cơ bệnh dại sẽ giảm, nhất là trong mùa nắng nóng.
BS NGUYỄN VINH QUANG