Thứ Ba, 24/09/2024 07:26 SA
Chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cột sống:
Từng bước giúp bác sĩ ngoại thần kinh vững tay nghề
Thứ Hai, 23/09/2019 14:00 CH

ThS-BSCKII Chu Tấn Sĩ, phẫu thuật viên chính (bên trái) cùng ê kíp phẫu thuật ca thoát vị đĩa đệm hai tầng, hẹp ống sống bằng thiết bị vi phẫu. Ảnh: YÊN LAN

Bốn bệnh nhân bị trượt đốt sống, hẹp và thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, trong đợt chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cột sống.

 

Trong bốn bệnh nhân vừa được phẫu thuật cột sống có bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên. Ông Dưng bị thoát vị đĩa đệm hai tầng, hẹp ống sống dẫn đến tình trạng tê chân trái và càng về sau càng đau. Ông đã điều trị nội khoa, vật lý trị liệu nhưng không có kết quả, việc đi lại cực kỳ khó khăn và có chỉ định phẫu thuật.

 

“Tôi đương nhiên biết Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị. Còn để có con người thực hiện các kỹ thuật phức tạp thì phải đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên chuyển giao. Trong phẫu thuật cột sống, bác sĩ Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 là người đi đầu. Tôi quyết định phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khi bác sĩ Chu Tấn Sĩ cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhân dân 115 về đây chuyển giao kỹ thuật”, bác sĩ Trần Ngọc Dưng nói.

 

Theo ThS-BSCKII Chu Tấn Sĩ, phẫu thuật viên chính, ở ca này, sau khi giải phóng hẹp, lấy đĩa đệm, hai rễ thần kinh L5-S1 bên trái đã hoàn toàn tự do. Ca mổ đã chấm dứt tình trạng chèn ép. Sau phẫu thuật, bác sĩ Dưng cho biết chân trái của ông nhẹ hẳn, co duỗi được và không còn đau như lúc trước.

 

“Khi bị chèn ép, rễ thần kinh không hoạt động, dẫn đến cơ được rễ thần kinh đó chi phối cũng không hoạt động. Sau khi giải phóng rễ thần kinh khỏi sự chèn ép, cơ được điều khiển bởi dây thần kinh đó nên bệnh nhân cảm nhận được sự khác biệt so với trước lúc phẫu thuật, có thể thực hiện những động tác mà trước đó họ không làm được.

 

Nếu bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cấp tính thì sau khi mổ, họ tỉnh lại và cảm nhận rất rõ sự khác biệt. Còn nếu rễ thần kinh bị tổn thương lâu ngày thì cần phải có thời gian. Trường hợp này, khi mổ sẽ thấy rễ thần kinh sưng phù lên sau một thời gian dài bị chèn ép, vì vậy cần thời gian cho rễ thần kinh hồi phục”, bác sĩ Chu Tấn Sĩ giải thích.

 

Ngoài ca thoát vị đĩa đệm hai tầng, hẹp ống sống kể trên, trong đợt chuyển giao kỹ thuật này, một bệnh nhân bị trượt đốt sống L4-L5 và hai bệnh nhân bị hẹp, thoát vị đĩa đệm ở lỗ liên hợp do phì đại khối khớp đã được phẫu thuật. Theo bác sĩ Chu Tấn Sĩ, đây đều là các ca khó, thực hiện những kỹ thuật mà Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chưa triển khai thường quy.

 

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có 5 bác sĩ ngoại thần kinh, việc đào tạo và tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật cột sống để củng cố tay nghề cho đội ngũ bác sĩ ở đây đã được triển khai trong thời gian qua. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng từng cử các bác sĩ hỗ trợ trong một năm theo Đề án 1816. Cuối năm 2018, Bệnh viện Nhân dân 115 bắt đầu chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cột sống cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

“Hiện cơ sở vật chất, thiết bị đã đầy đủ; bác sĩ phẫu thuật sọ não đã tốt rồi, bây giờ củng cố tay nghề để có thể làm chủ kỹ thuật phẫu thuật cột sống”, bác sĩ Nguyễn Như Ý, Phó Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Phú Yên, cho biết.

 

“Bệnh viện Ða khoa Phú Yên có C-arm, thiết bị vi phẫu, mài, khoan… sử dụng trong phẫu thuật cột sống. Công việc còn lại là tiếp nhận kỹ thuật, làm nhiều thì sẽ lên tay; các bộ phận phối hợp một cách nhịp nhàng. Bên cạnh việc đào tạo cần có chính sách giữ người, có cơ chế nhằm tạo cơ hội phát triển”, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nói.

 

“Tôi tin tưởng là rồi đây, anh em ở Bệnh viện Ða khoa Phú Yên sẽ làm chủ kỹ thuật điều trị các bệnh lý sọ não - cột sống, như đã làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch vành. Bà con Phú Yên khỏi tốn công sức vào TP Hồ Chí Minh để điều trị”, bác sĩ Trần Ngọc Dưng nói.

 

Theo y văn, thoát vị đĩa đệm là tình trạng mà phần đĩa đệm nằm ở giữa các đốt sống bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Lúc này bao xơ bên ngoài bị tổn thương, nứt rách tạo điều kiện cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài và chèn ép lên các rễ dây thần kinh cũng như tủy sống. Người bị thoát vị đĩa đệm thường xuyên có cảm giác đau nhức rất khó chịu. Cột sống cổ và cột sống thắt lưng chính là hai vị trí phổ biến rất dễ bị thoát vị đĩa đệm.

 

Ống sống hẹp do nhiều nguyên nhân (bẩm sinh, thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống, gai đôi đốt sống chèn vào ống sống), khi đó sẽ chèn ép lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh. Bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi, diễn tiến chậm trong nhiều năm.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek