Thứ Ba, 24/09/2024 11:27 SA
Âm ngữ trị liệu: Phương pháp quan trọng điều trị tự kỷ, bại não
Thứ Hai, 26/08/2019 13:00 CH

Kỹ thuật viên ở Bệnh viện PHCN Phú Yên đang “chơi mà tập” cho một bệnh nhi theo phương pháp âm ngữ trị liệu - Ảnh: YÊN LAN

“Ô tô đâu rồi? Xe đây rồi. Nào, đẩy xe đi nào. Xe chạy nào. Rồi, xe chạy…”. Vừa đẩy nhẹ chiếc xe bằng nhựa, kỹ thuật viên Võ Ngọc Duy vừa khích lệ cậu bé 2 tuổi cùng chơi. Cậu bé có vẻ thích thú song chốc chốc vẫn đưa mắt tìm mẹ - một phụ nữ trẻ đang ngồi bên ngoài.

 

Chị N.T.K.A, mẹ bé, cho biết con mình bị bại não. “Chân con mềm và teo dần, tay bên phải cũng không vận động. Con không đi, không nói được, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã đi và nói, thấy rất tội”, chị A nói, giọng nhòa đi. Biết được thông tin qua một người bà con đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Phú Yên, từ nhà ở xã An Thọ (huyện Tuy An), chị A đưa con đến đây điều trị bằng âm ngữ trị liệu và tập vận động hàng ngày. “Nhân viên y tế ở đây rất tận tình. Sau hơn 20 ngày, tôi thấy con lanh lợi, năng động hơn trước”, người mẹ cho biết.

 

Mẹ con chị A chuẩn bị rời đi thì một đôi vợ chồng trẻ dừng xe trước cửa. Con họ, một cậu bé khoảng 4 tuổi, trông rất khôi ngô, òa khóc và nấp sau lưng mẹ, không chịu vào phòng. Người mẹ ra sức dỗ dành. Cậu bé này bị tự kỷ - một rối loạn phát triển xuất hiện từ rất sớm và có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

 

Chưa có thống kê về bệnh tự kỷ, nhưng số trẻ mắc chứng này được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Để điều trị chứng tự kỷ, âm ngữ trị liệu là một trong những phương pháp quan trọng, giúp trẻ nói một cách lưu loát, biết cách giao tiếp với mọi người và hiểu được những gì người khác nói.

 

Đơn nguyên Điều trị âm ngữ trị liệu và Bệnh tự kỷ của Bệnh viện PHCN Phú Yên được triển khai từ tháng 9/2018, với sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. “Trước khi triển khai đơn nguyên này, Bệnh viện PHCN Phú Yên đã gửi hai nhân viên y tế ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để đào tạo”, BSCKI Dương Tấn Thịnh, Giám đốc bệnh viện, cho biết.

 

Tại đơn nguyên này, hơn 20 trẻ đang được điều trị, trong đó có 15 trẻ tự kỷ, còn lại là trẻ bị bại não. Con số trên còn khá khiêm tốn nếu so với nhu cầu thực tế của gia đình các bệnh nhân. Tuy nhiên do thiếu nhân lực (chỉ có hai kỹ thuật viên), Bệnh viện PHCN Phú Yên chưa thể tiếp nhận tất cả bệnh nhân đã đăng ký.

 

Khác với chứng tự kỷ, trẻ bị bại não là do tổn thương não (không tiến triển) xảy ra ở giai đoạn trước sinh, trong khi sinh và sau khi sinh cho đến 5 tuổi. Theo BSCKI Đặng Hoàng Hương Thùy, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp phụ trách đơn nguyên, biểu hiện của trẻ bị bại não là chậm phát triển về ngôn ngữ và khó khăn về vận động, vì vậy phải điều trị song song: âm ngữ trị liệu và tập vận động.

 

Không chỉ giúp trẻ tự kỷ và trẻ bị bại não biết cách phát âm, giao tiếp…, tại đơn nguyên này còn điều trị rối loạn phát âm, rối loạn nuốt cho bệnh nhân sau đột quỵ, đang điều trị nội trú tại bệnh viện. “Rối loạn nuốt là một trong những di chứng của tai biến mạch máu não, khá phổ biến. Nếu không được điều trị thì khi ăn uống, bệnh nhân bị sặc, thực phẩm rơi vào phế quản, có thể gây tử vong”, bác sĩ Thịnh nói.

 

Được biết trong khu vực Nam Trung Bộ, Bệnh viện PHCN Phú Yên là cơ sở y tế duy nhất có Đơn nguyên Điều trị âm ngữ trị liệu và Bệnh tự kỷ. Trước nhu cầu thực tế, việc đào tạo kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu đang được Bệnh viện PHCN Phú Yên tiến hành để tăng cường nhân lực cho đơn nguyên này.

 

“Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp, có sự phối hợp tốt giữa người nhà bệnh nhi với nhân viên y tế thì sẽ mang lại hiệu quả, trẻ tự kỷ có thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường thì hãy đưa trẻ đi khám để được điều trị sớm, hạn chế khuyết tật”, bác sĩ Dương Tấn Thịnh nói.

 

Những dấu hiệu của chứng tự kỷ ở trẻ em

 

Nhóm dấu hiệu chỉ sự khiếm khuyết trong quan hệ xã hội: Không phản ứng khi ba mẹ gọi dù đã được 1 tuổi; kém tiếp xúc bằng mắt, không nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện; trẻ không thích được bồng bế, vuốt ve mà chỉ thích chơi một mình; không giao lưu với người khác, ngay cả với ba mẹ, người thân; không biết thể hiện sự quan tâm của mình với người khác, chẳng hạn như không biết dùng tay chỉ vào vật mình thích.

 

Nhóm dấu hiệu chỉ các khiếm khuyết trong giao tiếp: Chậm nói, không biết nói, không biết gọi ba mẹ; giọng nói không có ngữ điệu; chỉ lặp đi lặp lại một cụm từ; sử dụng các đại từ nhân xưng một cách lộn xộn; không có các cử chỉ thông thường như chỉ, vẫy tay; nhại lại lời người khác một cách máy móc mà không hiểu ý nghĩa.

 

Nhóm dấu hiệu bất thường về hành vi: Có các hành vi lặp đi lặp lại như vỗ tay, lắc lư, nhảy hoặc xoay tròn; chỉ chơi vài trò chơi đơn điệu như xoay bánh xe, quăng ném đồ chơi…; có một số thói quen cứng nhắc như thích xem tivi, thích đọc một cuốn sách nào đó, ăn một món ăn…; chỉ quan tâm đến một chi tiết trên đồ vật; cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh; không biết chơi các trò chơi cần trí tưởng tượng như đóng vai hoặc đánh trận giả; có hành vi hung hăng với bản thân và cả người khác.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek