Mục đích của ăn uống là để cân bằng nhu cầu dinh dưỡng, giúp các cơ quan của cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Cơ thể mỗi người cần có sự hấp thu hài hòa về lượng đạm động vật và thực vật, vì thế nếu ăn chay không đúng cách vẫn có thể dẫn đến sự thiếu cân bằng trong dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chế biến các món ăn chay - Ảnh: MINH NGUYỆT |
ĂN CHAY KHÔNG ĐÚNG CÁCH: BỆNH!
Vì lý do nào đó, một số người chọn “ăn chay trường”. Họ cho rằng ăn chay sẽ giúp giảm béo, duy trì sự trẻ trung vì tác động của các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên, ăn như thế nào để vừa thích hợp với nhu cầu ăn uống mà vẫn đảm bảo mọi hoạt động hàng ngày của cơ thể, không gây bệnh tật là điều không dễ dàng.
Chị N.T.L (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) cho biết: “Sau một thời gian dài ăn chay, tôi cảm thấy mình yếu dần đi, hay bị chóng mặt. Đi khám thì bác sĩ bảo bị thiếu máu do thiếu sắt, kẽm… trầm trọng, cần bổ sung thịt, trứng, sữa và các vitamin hỗ trợ để lấy lại sự cân bằng cho cơ thể. Bây giờ, mỗi tháng tôi chỉ ăn chay vài ngày để thay đổi thực đơn thôi”. Còn cô giáo H (Trường THPT Nguyễn Văn Linh, huyện Đông Hòa) tâm sự: “Vì sợ mập, mặc áo dài không đẹp nên tôi kiêng thịt, cá và chuyển sang ăn chay. Kết quả là cơ thể suy nhược, tôi bị rối loạn tiêu hóa, nhiều buổi lên lớp cảm thấy rất mệt mỏi. Bác sĩ cho biết là tôi cần phải bổ sung chất đạm động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày”.
Ăn đầy đủ các chất, vitamin, đảm bảo sự cân bằng lượng đạm động vật và thực vật là điều kiện tiên quyết để có một cơ thể khỏe mạnh. Sở dĩ một tế bào được sinh ra là nhờ sự tổng hợp của rất nhiều vi chất. Muốn vậy, đòi hỏi phải có đủ dưỡng chất để cơ thể tổng hợp sản xuất tế bào và tạo năng lượng cho các hoạt động hàng ngày. Các nhà nghiên cứu y học cho biết, trung bình một người cần hơn 60 loại vitamin, protein amino acids, mà cơ thể thì không thể tạo ra được tất cả các chất cần thiết cho việc sản xuất tế bào. Vì bình thường chỉ có thể cho “xuất xưởng” từ 12 đến 20 protein amino acids. Do đó, lượng vitamin thiếu hụt còn lại cần có sự tham gia hỗ trợ từ các nguồn thực phẩm bên ngoài, nhất là đạm động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa… , đạm thực vật trong rau củ, đậu các loại. Các tế bào trong cơ thể chủ yếu được nuôi dưỡng bằng các chất đạm động vật mới phát triển hoàn thiện. Còn đạm thực vật chỉ có thể tiêu hóa được khi có sự hỗ trợ của đạm động vật. Nếu đơn thuần dùng đạm thực vật thì mới chỉ đủ 52% chất cho cơ thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe phòng chống suy dinh dưỡng (Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên), cơ thể sẽ bị mất cân bằng, rối loạn cholesterol giữa dầu thực vật và mỡ động vật, lượng đạm động vật và đạm thực vật nếu ăn chay thường xuyên. Sau một tháng không ăn thịt hoặc thực phẩm từ động vật thì lượng protein trong cơ tim giảm xuống 2 lần, dẫn đến trì trệ hoạt động của tim, kéo theo các cơ quan khác cũng bị suy yếu khiến người hoạt động chậm chạp, kém hiệu quả, thậm chí gây rối loạn. Ăn chay chỉ thực sự có tác dụng khi cơ thể có bệnh buộc phải kiêng cữ các loại đạm từ động vật. Ăn chay trường có thể bị thiếu máu, thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng và dần dần các tế bào bị cằn cỗi, lão hóa nếu không cung cấp ít nhất 100gr chất đạm động vật mỗi ngày. Đặc biệt, ăn chay đối với người già và trẻ em dễ kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe do thiếu chất sắt, kẽm, canxi… từ đạm động vật.
AI CẦN ĂN CHAY?
Cơ thể của những người ăn chay sẽ được cung cấp đủ chất cần thiết nếu thực hiện đúng và hiểu rõ giá trị các chất dinh dưỡng có trong từng loại thực phẩm thực vật. Những người có nguy cơ bệnh tim, quá béo, nguy cơ áp suất máu cao, bệnh đái đường, nguy cơ bệnh ung thư thì việc ăn chay sẽ có ích và khi đó nguồn đạm thực vật, vitamin (bánh mì, đậu các loại, trái cây, rau quả…) sẽ phát huy được tác dụng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên những người bệnh ăn chay cần các thực phẩm như: Chất sắt có trong mì ống, cơm, bánh mì, ngũ cốc các loại và trái cây khô, sữa đậu nành, đậu hạt các loại cho chất kẽm, calcium, vitamin B12, D có trong sữa ít béo và không béo, sữa đậu nành … Vitamin A có trong sữa không béo, rau và trái cây đậm màu (bí ngô, cà rốt, dưa đỏ…). Omega 3 là một loại axit béo rất tốt có trong đậu nành hạt. Những thực phẩm đó được sử dụng và chế biến đúng cách sẽ rất tốt cho sức khỏe, nhất là những người bệnh.
PHẠM THUỲ