Chủ Nhật, 24/11/2024 20:52 CH
Khẩn trương huy động mọi nguồn lực dập tắt dịch bệnh
Thứ Hai, 22/04/2019 06:39 SA

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp ở Phú Yên, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

 

Tại hội nghị phòng, chống sởi năm 2019 được tổ chức mới đây, bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã cảnh báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai khẩn cấp công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay.

 

Thống kê cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2019, số bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH) tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, tại một số địa phương trong tỉnh, nhiều dịch bệnh khác như sốt rét, sởi đang có xu hướng bùng phát nếu không có biện pháp khống chế kịp thời.

 

Ở huyện Tuy An, dịch SXH bùng phát ở một số xã; UBND huyện đã tổ chức hội nghị chuyên đề về phòng chống SXH, đồng thời triển khai nhiều biện pháp khá quyết liệt để phòng chống dịch. Ở huyện Sông Hinh, bên cạnh SXH, số bệnh nhân bị sốt rét tăng khá cao so với cùng kỳ. Cùng với SXH và sốt rét, bệnh sởi cũng tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018.

 

Tại hội nghị phòng, chống sởi năm 2019 được tổ chức mới đây, bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế đã cảnh báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai khẩn cấp công tác phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay.

 

Thời gian gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước có nền y tế phát triển, một số bệnh đã được khống chế đến nay lại bùng phát khá mạnh. Tại nhiều nước, dịch bệnh SXH, sốt rét hoành hành qua nhiều năm nhưng việc khống chế, tiến tới thanh toán dịch cũng là một thách thức đáng kể. Ở nhiều địa phương, dịch bệnh đang lăm le bùng phát bởi vì có các ca bệnh, xuất hiện véc tơ truyền bệnh; thời tiết như hiện nay, dịch bệnh bùng phát là nguy cơ hiện hữu.

 

Xét về dịch tễ học, các bệnh gây dịch như SXH, sốt rét bùng phát khi có nguồn lây bệnh (bệnh nhân), có véc tơ truyền bệnh (muỗi) và khối cảm nhiễm (người lành). Để phòng, chống dịch cần tác động cả ba khâu trong chuỗi dịch tễ này, tức là phải giải quyết tốt nguồn lây, cắt đứt trung gian truyền bệnh và bảo vệ khối cảm nhiễm. Hiện nay, cả 9/9 huyện, thị, thành phố của Phú Yên đều là vùng lưu hành của SXH. Vì vậy, các địa phương cần triển khai những biện pháp quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

 

Trước hết, mọi người cần có nhận thức đúng về dịch bệnh, có thái độ kiên quyết và thực sự có hành vi phòng, chống bệnh, trước hết tập trung diệt trung gian truyền bệnh, tức là diệt muỗi Aedes Aegypti bằng cách đổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước. Muỗi Aedes Aegypti thường đẻ trứng ở những nơi nước trong, trong các dụng cụ chứa nước như lu, chậu, bình, chum, vại, bồn hoa, chậu cảnh…; từ trứng đến muỗi trưởng thành có thể truyền bệnh mất khoảng 8-14 ngày. Vì vậy, việc đổ bọ gậy cần tiến hành thường xuyên hàng tuần.

 

Bên cạnh đó, công tác diệt muỗi trưởng thành cũng nên thực hiện thường xuyên bằng các biện pháp: dùng vợt muỗi, bẫy muỗi, dùng hóa chất diệt muỗi; riêng dùng hóa chất diệt muỗi phải đúng chỉ định của cơ quan chuyên môn, tránh nhờn hóa chất. Song song với diệt trung gian truyền bệnh cần điều trị tốt nguồn lây, tức là điều trị các bệnh nhân SXH: phát hiện, cách ly, điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ của cơ quan chuyên môn, tránh tử vong và lây lan dịch. Người lành (khối cảm nhiễm) cần được bảo vệ tránh muỗi đốt, dùng kem xua muỗi hay nhang xua mỗi, mặc áo quần dài, ngủ màn kể cả ban ngày.

 

Sốt rét là bệnh gây dịch hết sức nguy hiểm, đang lưu hành ở các huyện miền núi như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và một số xã của các huyện đồng bằng. Những năm qua, do tình hình di biến động dân cư, chuyển dịch ngành nghề, một số người ở đồng bằng lên lao động sản xuất ở những vùng lưu hành sốt rét. Những người này chưa có miễn dịch, lại thiếu biện pháp phòng ngừa nên dễ mắc sốt rét.

 

Theo đánh giá của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn, vài năm gần đây, tình hình dịch bệnh sốt rét diễn biến hết sức phức tạp. Số ca bệnh tăng lên đáng kể; mật độ muỗi Anophen (muỗi truyền bệnh sốt rét) có sự gia tăng ở một số vùng. Người bị bệnh sốt rét tăng, muỗi truyền bệnh tăng, sự di chuyển của người dân là những yếu tố nguy cơ bùng phát dịch sốt rét.

 

Trong 3 tháng đầu năm 2019, tại Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân, số bệnh nhân sốt rét tăng so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương trên giáp với các huyện của Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… là những nơi tình hình dịch bệnh sốt rét diễn biến khá phức tạp. Phòng, chống dịch sốt rét cần phải kiểm soát ca bệnh, diệt muỗi Anophen và bảo vệ khối cảm nhiễm tránh muỗi đốt là hết sức quan trọng. Muỗi Anophen đốt người chủ yếu vào ban đêm, thích sống ở rừng, bờ suối, bụi rậm, gầm cầu…, vì vậy để diệt muỗi cần phát quang bụi rậm, khai thông rãnh, thông thoáng nhà cửa và ban đêm ngủ phải mắc màn. Khác với SXH chưa có điều trị đặc hiệu, sốt rét là bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên thời gian gần đây tình trạng kháng thuốc đang có xu hướng tăng. Vì vậy, bệnh nhân sốt rét cần được cán bộ y tế điều trị theo đúng phác đồ.

 

Sởi là bệnh gây dịch do vi rút sởi gây ra, lây lan qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng thời gian gần đây sởi xảy ra cả ở người lớn. Biến chứng của bệnh sởi gây viêm phổi, suy hô hấp; một số trường hợp gây viêm não, màng não, suy dinh dưỡng… Điều đáng nói là sởi đã có vắc xin phòng bệnh và khi tiêm chủng đầy đủ sẽ có miễn dịch suốt đời. Biện pháp phòng bệnh tối ưu là tiêm phòng sởi cho trẻ khi đủ 9 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

 

Để phòng chống 3 dịch bệnh nói trên, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, huy động các nguồn lực. Các hoạt động, từ truyền thông, triển khai các biện pháp diệt muỗi đến cách ly điều trị phải được phối hợp nhịp nhàng mới có hiệu quả; phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc cụ thể, tránh tình trạng có triển khai nhưng thiếu kiểm tra, giám sát. Người dân phải thực sự thay đổi hành vi phòng chống dịch bệnh như diệt muỗi, diệt bọ gậy, ngủ màn, dùng nhang xua muỗi, chống muỗi đốt…

 

Công tác truyền thông phải được đẩy mạnh hơn nữa, huy động nguồn lực truyền thông như cán bộ, hội viên các hội, các ban ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ nhân viên y tế thôn bản tăng cường đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền vận động. Công tác tiêm phòng sởi cho trẻ phải chặt chẽ, không để trẻ bỏ mũi tiêm.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek