Trong phòng chống dịch bệnh, vai trò của truyền thông hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định.
Phân tích về truyền thông giáo dục sức khỏe cho thấy, truyền thông sẽ làm thay đổi nhận thức nhanh hơn, còn vận động tuyên truyền giúp thay đổi hành vi tốt hơn. Mỗi loại hình truyền thông đều có những điểm mạnh và hạn chế riêng. Nếu biết phát huy điểm mạnh, hạn chế nhược điểm thì sẽ đem lại hiệu quả rất cao; đồng thời tiết kiệm được nguồn lực đáng kể. Trong hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, sóc (gọi chung là thôn, bản) có vai trò quan trọng.
Ở Phú Yên, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB) (bao gồm cả y tế khóm, khu phố) khá đông đảo với 630 người. Họ có 4 nhiệm vụ cơ bản: Truyền thông giáo dục sức khỏe để phòng chống các dịch bệnh phổ biến tại địa bàn mình phụ trách, quản lý sức khỏe của người dân trên địa bàn, phối hợp với y tế cấp trên thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu, sơ cấp cứu ban đầu. Như vậy, truyền thông giáo dục sức khỏe là nhiệm vụ hàng đầu của NVYTTB. Tuy nhiên ở phạm vi thôn, buôn, khu phố, chủ yếu họ làm công tác vận động tuyên truyền, tức là truyền thông trực tiếp bằng các hình thức như tư vấn, vãng gia.
Đội ngũ NVYTTB nếu thực sự làm tốt nhiệm vụ của mình sẽ giúp rất nhiều cho chính quyền địa phương trong quản lý tình hình sức khỏe, giúp ngành Y tế triển khai các hoạt động y tế nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng. Không ai nắm vững tình hình bệnh tật, tình hình liên quan đến sức khỏe trong thôn của mình bằng NVYTTB. Họ cung cấp thông tin nhanh và đúng đến cơ quan chuyên môn, giúp cơ quan chuyên môn triển khai các hoạt động đáp ứng kịp thời, nhất là phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa, họ là người địa phương nên dễ tiếp cận và dễ cảm thông cũng như chia sẻ với người dân trong thôn, từ đó dễ dàng khuyên người dân thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe, nhất là thực hiện các hành vi phòng chống dịch.
Có thể nói, y tế thôn, bản là cánh tay nối dài của y tế xã; trạm y tế muốn triển khai các hoạt động y tế ở đâu trong xã mình trước hết phải phối hợp nhịp nhàng với y tế thôn, bản. Hơn nữa, để y tế thôn, bản hoạt động hiệu quả cần phải có sự hỗ trợ nhiều mặt từ y tế xã. Muốn phát huy hiệu quả của NVYTTB thì trạm y tế xã cần tổ chức giao ban định kỳ với y tế thôn bản, nắm bắt kịp thời diễn biến dịch bệnh của các thôn buôn. Đồng thời, trạm Y tế xã cần có những đợt giám sát đột xuất hay định kỳ hoạt động của y tế thôn, bản để tránh tình trạng “tam sao thất bổn”. Bên cạnh đó, NVYTTB cũng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động, tránh tình trạng đánh trống ghi tên, khi cần báo cáo thì “liệu liệu con số”. Mỗi người, dù là người quản lý hay người cung cấp số liệu, cần nhớ rằng số liệu thống kê trong y tế công cộng hết sức quan trọng; các số liệu nhận được sẽ là “những triệu chứng” để chẩn đoán tình hình sức khỏe của cộng đồng. Nếu cung cấp số liệu sai sẽ dẫn đến chẩn đoán bệnh của cộng đồng không chính xác, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp không chính xác.
Vì vậy, bên cạnh các hoạt động truyền thông trên đài phát thanh, truyền hình, báo viết…, cần phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ NVYTTB trong việc vận động tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch bệnh.
QUANG NGUYỄN