Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia vừa tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao” và phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế tham dự sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần có hành động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Phó Thủ tướng nêu rõ, phòng chống bệnh lao là trách nhiệm của cả hệ thống và điều quan trọng là làm sao để người dân nhận thức được rằng khi có triệu chứng bị bệnh thì cần được khám phát hiện, điều trị và điều trị phải theo một lộ trình liên tục để không bị nhờn thuốc. Vì vậy cần có sự quan tâm thường xuyên của bác sĩ, của nhân viên y tế và đặc biệt cần sự hỗ trợ của cộng đồng nơi làm việc, nơi sinh sống.
“Chúng ta cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động trong xã hội để mọi người nhận thấy rằng bệnh lao đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Bệnh lao tuy lây nhiễm như không đáng sợ và với tiến bộ của y học ngày nay, bệnh lao không còn là bệnh nan y khó chữa”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, chủ đề Ngày Phòng chống lao năm nay của Việt Nam là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”.
Việt Nam đang nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó có 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn hơn 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao quốc gia phát hiện khoảng 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Năm 2017 có 12.000 người chết do lao - con số cao hơn rất nhiều so với số người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để chấm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên 2 lần nghiên cứu điều tra toàn quốc và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8%/năm.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tốc độ giảm bệnh lao đã nhanh hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, đến nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạng từ trung ương đến địa phương.
Theo WHO, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, chương trình chống lao hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc duy trì sự bền vững cho tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Bên cạnh đó, chương trình cũng gặp thách thức về sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh và các thầy thuốc trong xã hội.
Theo TTXVN