Theo nhận định của ngành Y tế Phú Yên, số ca mắc sốt rét tăng cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Tây Hòa. Số ca bệnh có thể tiếp tục tăng khi vào mùa mưa, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, thường có số ca mắc sốt rét tăng cao.
Bệnh nhân sốt rét nếu tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Trong ảnh: Cấp cứu một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: YÊN LAN |
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 10 tháng năm 2018, toàn tỉnh có 203 bệnh nhân sốt rét, tăng 306% so với cùng kỳ. Huyện Sông Hinh là địa bàn có số ca mắc cao nhất (94 ca, tăng hơn 570% so với cùng kỳ), trong đó có nhiều bệnh nhân ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông điều trị bệnh sốt rét tại Sông Hinh. Theo đánh giá của ngành Y tế, số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là tại huyện Sông Hinh, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Bệnh nhân sốt rét gia tăng tại huyện Sông Hinh trong thời gian qua tập trung ở các xã: Ea Lâm, Ea Ly, Ea Trol, thị trấn Hai Riêng, và có thể tiếp tục tăng khi mùa mưa đến, người dân vào mùa vụ, ngủ tại rẫy nhiều hơn. Tại xã Ea Lâm, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là những người đi rừng, làm rẫy tại khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea Kar, M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk).
Đây là một trong những khu vực trọng điểm sốt rét tại miền Trung - Tây Nguyên, có số ca mắc sốt rét tăng trong thời gian qua. Tại 2 xã Ea Lâm và Ea Ly có sự hiện diện của muỗi truyền bệnh sốt rét chính là An.minimus ở khu vực dân cư và An.dirus ở khu vực chòi rẫy.
Phú Yên hiện có 5 huyện trọng điểm của bệnh sốt rét, với hơn 363.600 người có nguy cơ mắc sốt rét, trong đó gần 24.000 người giao lưu vùng sốt rét lưu hành. Toàn tỉnh có 4 xã sốt rét lưu hành nặng, 16 xã sốt rét lưu hành vừa, 35 xã sốt rét lưu hành nhẹ, 10 xã có nguy cơ sốt rét quay trở lại. |
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành điều tra dịch tễ, côn trùng tại 14 điểm có người mắc sốt rét gia tăng; giám sát công tác chẩn đoán, điều trị sốt rét và hoạt động điểm kính hiển vi tại các huyện trọng điểm và tại các xã gia tăng sốt rét hàng tháng; tổ chức tẩm màn tại các xã của huyện Sông Hinh đạt gần 90%, tại huyện Sơn Hòa đạt 90,8% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, Sông Hinh và Sơn Hòa, mỗi huyện được cấp 2.200 ống kem thoa da phòng, chống muỗi đốt để phát cho những người đi rừng, ngủ tại rẫy; xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) được cấp 500 ống. Ngoài ra, người dân tại các vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng còn được cấp màn bảo vệ phòng, chống muỗi đốt. Việc phun tồn lưu hóa chất - biện pháp phòng vector bổ sung - được thực hiện tại buôn Học, buôn Bai và các chòi canh rẫy ở xã Ea Lâm, với 322 hộ và 43 chòi canh rẫy được phun.
Thông qua nhân viên y tế thôn buôn, hoạt động tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt rét đến từng hộ gia đình được đẩy mạnh hàng tuần. Ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn cho y tế xã về chẩn đoán, điều trị và giám sát dịch tễ sốt rét; tập huấn về quản lý, giám sát dịch tễ sốt rét cho cán bộ y tế tuyến huyện và nhân viên y tế thôn buôn...
Theo bác sĩ Ngô Đức Thịnh, Trưởng Khoa Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) thì khó khăn hiện nay trong công tác phòng chống bệnh sốt rét là sự biến động dân cư. Thực trạng người dân mưu sinh nhiều ngày liền trong rừng sâu hay ngủ tại rẫy ở các vùng giáp ranh là nguyên nhân chính làm gia tăng sốt rét và gây khó khăn cho công tác phòng, chống bệnh này.
Biện pháp quản lý và phòng, chống sốt rét cho nhóm dân trên chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Ý thức phòng, chống sốt rét của một nhóm người trong cộng đồng còn thấp, có suy nghĩ chủ quan khi những năm gần đây số ca bệnh giảm. Sự phục hồi của vector chính truyền bệnh sốt rét và có thể có tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc góp phần làm gia tăng tình hình sốt rét…
Vừa qua, Sở Y tế Phú Yên đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống sốt rét tại huyện Sông Hinh. Đây là hội nghị thứ hai về phòng, chống bệnh sốt rét diễn ra ở huyện miền núi này.
Tại hội nghị, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nêu những giải pháp quan trọng cần thực hiện ngay; các địa phương cần chủ động và tăng cường giám sát dịch tễ sốt rét, điều tra ổ bệnh, phát hiện và điều trị sớm, giảm nguy cơ sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét; cấp võng màn có tẩm hóa chất cho những người có hành vi nguy cơ cao, nhất là những người mưu sinh trong rừng, ngủ tại rẫy, các hộ gia đình sống ở vùng sốt rét lưu hành nặng và vừa; tiếp tục chiến dịch tẩm màn cho người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành.
Hiện tại cần tẩm màn bổ sung tại các xã có sốt rét gia tăng như Ea Trol và Xuân Lâm. Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đề nghị Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng tiếp tục cấp cho tỉnh khoảng 83 lít fendona để tiến hành tẩm màn tại huyện Đồng Xuân; tiếp tục cấp phát kem thoa da soffell cho nhóm người đi rừng, ngủ tại rẫy…
Qua tuyên truyền, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét; khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên chỉ đạo các đơn vị y tế, đặc biệt là ở huyện Sông Hinh, cần rà soát các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, tổ chức tập huấn và hướng dẫn phòng, chống bệnh sốt rét, nghiêm cấm tình trạng tự bán thuốc cho những bệnh nhân chưa có chỉ định của bác sĩ bởi có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, thậm chí đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng đề nghị các đơn vị y tế khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu sốt và đến từ vùng lưu hành bệnh sốt rét cần ưu tiên chẩn đoán bệnh sốt rét, như lấy máu làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét để sớm có phương pháp điều trị kịp thời và mang lại hiệu quả.
QUỐC HỘI