Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, y tế cơ sở là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đây là tuyến y tế gần dân, giúp việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Các chương trình triển khai có hiệu quả tại tuyến y tế cơ sở như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế, hạn chế của tuyến y tế cơ sở là người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng dịch vụ y tế chưa cao, thiếu cán bộ y tế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo; chi trả bảo hiểm y tế còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật còn hạn chế...
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở giúp người dân giảm chi từ tiền túi, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này. Năm 2014, tỉ lệ người dân khám chữa bệnh tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm 2018 chỉ còn 18%. Có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã, nhưng người dân thờ ơ với y tế tuyến xã vì chưa tin tưởng chất lượng các dịch vụ y tế ở đây...
Các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở được đề xuất tại hội nghị như: Không quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú như hiện nay. Thay vào đó, bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do áp dụng các dịch vụ kỹ thuật mới, thêm nhiều thành phần thuốc và các chức năng đi kèm, kể cả các chi phí điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao...
Hội nghị cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như: Đến năm 2019, gần 90% dân số có thẻ bảo hiểm y tế và đến năm 2020, trên 90,7% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó các tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế dưới 80% cần xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai để đạt tỉ lệ trung bình của cả nước về tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế.
QUỐC HỘI