Thứ Bảy, 30/11/2024 11:48 SA
Tăng cường hiệu quả và tốc độ xã hội hóa y tế
Thứ Sáu, 11/01/2008 10:30 SA

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Phải hành động gấp” để đẩy mạnh xã hội hoá y tế. Chính phủ sẽ xem xét tạo điều kiện tối đa về vốn và các chính sách ưu tiên cho hoạt động này.

 

Qua 2 năm (2005-2007), thực hiện xã hội hoá hoạt động y tế đã đem lại nhiều lợi ích chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với hoạt động này.

 

080111-kham-tu-2.jpg

Nhờ xã hội hóa y tế, nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân đã ra đời. Trong ảnh: Phòng khám đa khoa Lê Lợi (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.THỦY

 

BỆNH VIỆN CHỦ ĐỘNG

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguồn vốn xã hội hoá trang thiết bị huy động được trên 2.000 tỉ đồng (các đơn vị tuyến trung ương là gần 1.000 tỉ, các đơn vị địa phương là 1.200 tỉ). Nhiều cơ sở y tế đã đa dạng hóa hoạt động dịch vụ: yêu cầu tự chọn giường bệnh, chọn thầy thuốc, chọn sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao...

 

Kết quả nổi bật của công tác xã hội hoá y tế trong 2 năm qua là tạo được sự thay đổi trong quan điểm, nhận thức và hoạt động về quản lý y tế. Từ chỗ các đơn vị y tế thụ động, chờ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, kinh phí, kế hoạch thì nay các đơn vị đã chủ động xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

100% đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện và cơ sở y tế địa phương đã triển khai Nghị định 43/2005/NĐ-CP quyền tự chủ về nhiệm vụ và tài chính. Các đơn vị đã tự chủ huy động nguồn vốn phát triển hoạt động sự nghiệp, huy động các nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị; vay các tổ chức tín dụng, huy động vốn từ cán bộ công nhân viên, từ các nhà đầu tư thông qua hoạt động liên doanh, liên kết để lắp đặt các trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

 

Kết quả của việc thực hiện xã hội hoá y tế còn thể hiện rõ ở hệ thống y tế tư nhân ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có trên 30.000 cơ sở hành nghề y tế tư nhân, trong đó có 66 bệnh viện tư, hơn 300 phòng khám đa khoa và 87 nhà hộ sinh. Ngoài ra, đã có 22 bệnh viện tư đã được UBND tỉnh, thành phố và Bộ Y tế cho phép thành lập. Tuy còn hạn chế về số lượng, về giường bệnh, nguồn nhân lực, nhưng trung bình mỗi năm các đơn vị y tế ngoài công lập đã cấp cứu, khám chữa bệnh cho trên 3 triệu lượt người; phẫu thuật thủ thuật trên 100.000 lượt người, xét nghiệm cận lâm sàng trên 2,5 triệu lượt người, đóng vai trò to lớn trong điều trị ngoại trú và góp phần giảm tải điều trị nội trú cho các bệnh viện công lập.

 

NGƯỜI DÂN THÊM NHIỀU LỰA CHỌN

 

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết: Xã hội hoá hoạt động y tế đem lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có người dân tham gia BHYT. Số lượng người tham gia BHYT ngày càng đông (hiện nay khoảng 36,7 triệu người, chiếm xấp xỉ 42% dân số cả nước), nên cơ quan BHXH ngày càng phải mở rộng việc ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ. Cơ quan BHXH những năm qua đã không chỉ ký Hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với các bệnh viện công lập mà cả bệnh viện ngoài công lập (nếu xét thấy đủ điều kiện).

 

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khương, mỗi năm nhà nước dành trên 700 tỉ đồng ngân sách cho quỹ KCB người nghèo. Năm 2006, chuẩn nghèo được nâng lên, đồng nghĩa với việc có thêm gần 20 triệu người được hưởng chính sách ưu đãi KCB người nghèo. Đặc biệt năm 2007, chính phủ đã tăng mệnh giá thẻ BHYT người nghèo từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/thẻ/năm, góp phần đảm bảo lợi ích thiết thực cho người nghèo, đảm bảo công bằng và hạn chế tác động của cơ chế thị trường tới việc chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng nghèo.

 

Lượng người tham gia BHYT tăng nhanh, nên đã mở rộng thêm nhiều cơ sở KCB ngoài công lập ký hợp đồng KCB BHYT. Cả nước hiện có 1.800 cơ sở KCB đăng ký KCB cho người có thẻ BHYT; 60% số trạm y tế tuyến xã, phường có hợp đồng KCB BHYT. Hệ thống y tế trường học được củng cố, phát triển phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho hàng chục triệu học sinh, sinh viên. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng hơn.

 

THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO Y TẾ NGOÀI CÔNG LẬP

 

Khi thực hiện xã hội hoá y tế, thực hiện Nghị định 43 giao quyền tự chủ nhiệm vụ, tài chính cho các cơ sở y tế, nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn về tài chính. Mặc dù nguồn kinh phí Nhà nước cấp là ổn định theo định mức có tính đến phần trăm của chi phí cho y tế trên GDP của Chính phủ và lạm phát, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được một phần cho chi tiêu của các cơ sở y tế. Đấy là chưa kể đến khó khăn của các đơn vị sắp tới phải lo khoản lương tăng thêm của cán bộ nhân viên, trong khi các nguồn thu từ các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ mức thuế lên đến 28%!

 

Mặt khác, các nhà đầu tư y tế tư nhân cũng than phiền: Rất khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, chủ yếu phải vay vốn lãi suất cao, vay của cá nhân và các tổ chức. Chính sách thuế cũng còn nhiều bất cập, chưa công bằng, chưa khuyến khích các hoạt động xã hội hoá...

 

Để giải quyết những khó khăn này, theo Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng là “phải hành động gấp” để đẩy mạnh xã hội hoá y tế. Hàng loạt các biện pháp đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn và đất, những nội dung này dự kiến cũng sẽ được đưa vào nghị định mới về công tác xã hội hoá. Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ xem xét tạo điều kiện tối đa về vốn. Với những bệnh viện chật chội, Chính phủ khuyến khích di dời bằng cách cho hưởng toàn bộ nguồn thu từ quỹ đất phải di dời. Bệnh viện cả công và tư sẽ được ưu đãi cung cấp đất. Bệnh viện công có thể liên kết với bệnh viện tư mua sắm trang thiết bị, mở rộng cơ sở.

 

Về chính sách thuế, cần phải có mức ưu đãi thấp nhất đối với các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Nhà nước sẽ sớm sửa đổi chính sách thuế (hiện nay là 28%) bằng các chính sách thực hiện ưu đãi theo lộ trình thích hợp: Miễn giảm hoàn toàn thuế cho các doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động; từ năm thứ 5 - 10 mức thuế sẽ giảm 50%. Ưu đãi này, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sẽ dành cho những nhà đầu tư xây dựng cơ sở cho thuê làm bệnh viện và trường học.              

 

Về nguồn nhân lực, khi thực hiện xã hội hoá hoạt động y tế đã diễn ra tình trạng “chảy máu chất xám” - lượng cán bộ y tế chuyển từ y tế công lập sang y tế tư nhân ngày càng cao. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu rõ: Bệnh viện công lập được bao cấp trong khi bệnh viện tư phải lo đủ thứ, vì thế trên cơ sở tự chủ, các đơn vị y tế công lập cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc để có được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tốt, thu hút đầu tư và nguồn thu, để cán bộ nhân viên gắn bó với đơn vị và yên tâm cống hiến. Các cơ sở y tế công lập sẽ không cổ phần hoá, nhưng khuyến khích các cơ sở y tế có thương hiệu phối hợp với các nhà đầu tư để thành lập các bệnh viện cổ phần mới.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, để các bệnh viện thực hiện hiệu quả Nghị định 43 về quyền tự chủ về nhiệm vụ và tài chính, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ sẽ ký văn bản hướng dẫn bộ máy biên chế. Theo đó, các đơn vị tùy theo năng lực tổ chức tự quyết định số biên chế và chỉ báo cáo để Bộ kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ của mình, tự chủ trong đăng ký giường bệnh, cân đối, huy động vốn, liên doanh, liên kết để đặt các máy kỹ thuật cao phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Ngành y tế cũng sẽ xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ viện phí, để bảo đảm cân đối mức thu - chi và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới.                                   

 

VŨ HẠNH - (VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek