Thứ Hai, 25/11/2024 10:01 SA
Tầm soát để phát hiện, sửa chữa dị tật trong tim
Thứ Hai, 14/05/2018 11:00 SA

Theo các chuyên gia tim mạch, cứ 1.000 đứa trẻ ra đời thì có 8 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Việc điều trị những “sai lệch” trong cấu trúc tim phụ thuộc vào loại dị tật và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh về một số vấn đề liên quan đến bệnh lý này. 

 

* Thưa phó giáo sư, đâu là những triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh?

 

PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định

 Bệnh tim bẩm sinh thường có các triệu chứng như mệt, khó thở. Người lớn mệt, khó thở thì nói ra, còn trẻ con, nhiều cháu chưa nói được nên chúng ta phải quan tâm đến những biểu hiện như bé hay quấy khóc, bé đang bú thì ngừng giữa chừng vì mệt quá, không bú tiếp được nữa; bé suy dinh dưỡng, dễ bị ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi… Có những đứa trẻ bị dị tật trong tim, toàn thân bị tím, tím càng nhiều thì bệnh càng nặng. Bệnh tim bẩm sinh còn có những biểu hiện khác nữa; khi thăm khám, nghe tim, bác sĩ sẽ phát hiện ra. Còn để chẩn đoán xác định thì phải siêu âm tim và làm các xét nghiệm cần thiết.

 

* Trong các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, từ di truyền cho đến môi trường, yếu tố nào thường gặp nhất, thưa phó giáo sư?

 

- Chúng ta chưa biết nguyên nhân gây nên bệnh tim bẩm sinh mà chỉ biết các yếu tố nguy cơ, nghĩa là khi có các yếu tố đó thì dễ bị bệnh tim bẩm sinh hơn. Trong thời gian ngườimẹ mang thai, nhất là từ một cho đến hai tháng đầu tiên của thai kỳ - thời gian hệ tim mạch hình thành và phát triển - nếu có bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trái tim trong bào thai thì sẽ gây nên dị tật tim bẩm sinh.

 

Yếu tố thường gặp nhất là môi trường, gồm có nhiễm vi rút. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu người mẹ nhiễm vi rút rubella thì chúng là thủ phạm số 1 gây nên dị tật tim bẩm sinh; ngoài ra còn có các nhiễm trùng khác nữa. Bên cạnh đó, người ta cũng nói đến thuốc mà bà mẹ sử dụng trong thời gian mang thai. Hồi trước có những loại thuốc an thần mà người mẹ uống vào sẽ gây nên các dị tật cho thai nhi, trong đó có dị tật tim bẩm sinh. Rượu, các kim loại nặng như chì chẳng hạn cũng có thể gây nên dị tật tim bẩm sinh.

 

* Các bác sĩ có thể can thiệp những dị tật tim bẩm sinh nào để bệnh nhân không phải phẫu thuật?

 

- Khoảng 20-30% các trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh có thể can thiệp được, không cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ, đưa qua đường mạch máu lên tim và sửa chữa dị tật đó. Có những lỗ thông mà chúng ta có thể dùng dụng cụ để bít được. Có những van tim bị hẹp, chúng ta đưa bóng vào nong để van rộng ra. Càng về sau, kỹ thuật càng phát triển, tiến bộ và nhiều đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được điều trị theo cách đó. Phương pháp điều trị này hiệu quả, chi phí thấp hơn phẫu thuật và đặc biệt là ít ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu hơn.

 

* Việc khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh khi bà mẹ mang thai có ý nghĩa như thế nào, thưa phó giáo sư?

 

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

 

- Khám tầm soát trong thời gian mang thai là cực kỳ quan trọng. Tại các nước có nền y học tiên tiến, người ta rất chú trọng đến việc này bởi sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngành Y tế cũng như cho xã hội. Phụ nữ mang thai nên khám tầm soát vào ba tháng giữa của thai kỳ, tầm soát các bệnh tim bẩm sinh, bệnh di truyền… Nếu phát hiện thai nhi bị dị tật quá nặng, không thể sửa chữa được và tiên lượng sống của cháu bé quá kém thì thầy thuốc sẽ khuyên không nên giữ đứa bé.

 

Còn đối với những dị tật mà sau khi đứa trẻ được sinh ra vẫn có thể điều trị một cách triệt để thì thầy thuốc tư vấn hướng điều trị để họ có kế hoạch điều trị sớm. Đặc biệt, có những đứa trẻ bị tim bẩm sinh, sau khi ra đời phải được mổ ngay trong tháng đầu tiên. Như vậy thì phải lên kế hoạch trước. Sau khi ra đời, bé được chuyển đến khu hồi sức để chuẩn bị mổ tim và mổ cho bé càng sớm càng tốt. Như vậy cơ hội sống của bé sẽ cao hơn.

 

* Thưa phó giáo sư, hiện có nhiều người nghèo mắc bệnh tim, cần được phẫu thuật nhưng lại không có tiền, trong khi chi phí phẫu thuật tim quá lớn. Làm thế nào để họ có cơ hội sống?

 

- Hiện nay, với trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh, chúng ta đã có một hệ thống khá bài bản của nhà nước, các tổ chức lớn như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh và các tổ chức phi chính phủ, bên cạnh đó còn có các mạnh thường quân quan tâm. Vì vậy, việc tìm nguồn tài trợ cho các cháu mổ tim không quá khó khăn như lúc trước.

 

Tuy nhiên đối với người lớn thì rất nan giải, vì vẫn chưa “đánh động” được sự quan tâm đến các trường hợp này. Thực ra có nhiều bệnh nhân rất đáng được quan tâm hỗ trợ, như những người là trụ cột trong gia đình, bà mẹ đang nuôi các con nhỏ… Nếu họ không được điều trị bệnh tim thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình, ảnh hưởng đến những đứa bé của họ. Chúng tôi rất mong là thông tin về các bệnh nhân nghèo cần hỗ trợ phẫu thuật tim sẽ “đánh động” được xã hội để họ được hỗ trợ điều trị.

 

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

 

Một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp

 

Còn ống động mạch

 

Ống động mạch tồn tại trong thời kỳ bào thai và sẽ đóng lại trong vòng 2 tuần đến 1 tháng đầu sau khi trẻ ra đời. Trường hợp sau thời gian trên mà ống không đóng lại gọi là dị tật còn ống động mạch, thường hay gặp ở trẻ sơ sinh non tháng.

 

Thông liên thất, thông liên nhĩ

 

Tồn tại lỗ thông bất thường trên vách ngăn giữa hai buồng tâm nhĩ và/hoặc hai buồng tâm thất; phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí giải phẫu và kích thước của lỗ thông.

 

Hẹp eo động mạch chủ

 

Vị trí eo động mạch chủ có thể hẹp bất thường gây cản trở tim bơm máu đi nuôi cơ thể. Điều trị phẫu thuật cắt bỏ chỗ hẹp rồi nối lại bằng đoạn mạch nhân tạo hoặc can thiệp, đặt stent tại vị trí hẹp eo.

 

Bất thường van tim

 

Một số trẻ sơ sinh bị hở van tim, hẹp van tim hoặc teo tịt van bẩm sinh cần điều trị bằng can thiệp hoặc phẫu thuật.

 

Tứ chứng Fallot

 

Là dị tật bao gồm 4 bất thường tim bẩm sinh gây ra tình trạng máu nuôi cơ thể là máu pha trộn, trẻ có triệu chứng tím với các mức độ khác nhau từ khi sinh ra. Trẻ có thể được điều trị phẫu thuật sửa chữa trong những tháng đầu sau sinh.

 

Hội chứng thiểu sản thất trái

 

Là dị tật tim bẩm sinh trong đó buồng thất trái rất nhỏ không thực hiện được chức năng. Nếu không được phẫu thuật trẻ có thể tử vong trong vài tuần đầu sau sinh.

 

(nguồn: benh.vn)

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek