Thứ Tư, 09/10/2024 20:23 CH
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: Cần xây dựng hệ thống kiểm soát đồng bộ
Thứ Hai, 12/03/2018 13:00 CH

Không chỉ là một trong những thách thức ở các nước nghèo và đang phát triển, nhiễm khuẩn bệnh viện còn là mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Tình trạng này làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn, chi phí điều trị tăng và tỉ lệ tử vong cũng tăng lên do nhiễm khuẩn bệnh viện.

 

TS Nguyễn Sanh Tùng

Làm thế nào để kiểm soát tốt nhiễm khuẩn bệnh viện? Báo Phú Yên phỏng vấn TS Nguyễn Sanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Huế về vấn đề trên.

 

* Vì sao nói kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, thưa tiến sĩ?

 

- Hiện nay, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ là một trong những mối quan tâm hàng đầu ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, bởi tính chất quan trọng của nó. Nhiễm khuẩn bệnh viện là loại bệnh mắc phải trong bệnh viện, do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, nấm… gây nên. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm cho người bệnh giảm sức đề kháng, kéo dài thời gian điều trị và làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Người bệnh tốn nhiều tiền vì phải mua thêm thuốc này thuốc kia, nhất là những thuốc đắt tiền; chi phí điều trị tăng cao. Vi khuẩn tồn tại trong bệnh viện hết năm này qua năm khác, lây truyền từ người này sang người khác - những người sử dụng loại kháng sinh này, kháng sinh khác và tạo ra chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hiện nay, trên thế giới có những vi khuẩn mà không có kháng sinh nào “đánh” nó được, người ta gọi là những vi khuẩn đa kháng bất trị. Trong bốn con vi khuẩn đa kháng bất trị hàng đầu, Acinetobacter chiếm khoảng 30% tổng số nhiễm khuẩn bệnh viện. Ngay cả các bệnh viện ở Mỹ cũng lo lắng đến vấn đề này.

 

Vậy làm thế nào để có biện pháp phòng chống những con vi khuẩn này và một số vi khuẩn khác, như tụ cầu vàng chẳng hạn, để chúng không lây lan, không nhiễm vào những người trong bệnh viện thì đấy là vấn đề rất quan trọng.

 

* Theo ông, đâu là những yếu tố làm tăng khả năng nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay?

 

- Trong các yếu tố làm tăng khả năng nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay, đầu tiên phải kể đến là yếu tố con người. Vi khuẩn lây từ người này sang người kia, từ người mắc bệnh truyền sang người lành, người lành mắc bệnh rồi truyền sang người khác nữa. Yếu tố thứ hai là việc chúng ta không nhận ra, không đề cao công tác chống nhiễm khuẩn, chưa có biện pháp phòng chống hữu hiệu.

 

Những bệnh viện càng lâu năm thì nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện càng cao. Trong chiến tranh, người ta mổ giữa rừng núi, không nhiễm trùng vì không có vi khuẩn tồn lưu ở đó; bệnh xá lúc đóng ở chỗ này, lúc đóng ở chỗ kia, thoáng khí. Hiện nay, có những bệnh viện được xây dựng từ hàng trăm năm hay mấy chục năm, vi khuẩn ở góc này góc kia, nhiễm hết người này đến người nọ. Chính vì vậy, một trong những điều hết sức quan trọng là phải xây dựng bệnh viện như thế nào cho thông thoáng, không có chỗ tù đọng để vi khuẩn cư trú ở đấy, và có những biện pháp ngăn chặn để vi khuẩn không lây từ người này sang người kia, từ khoa này sang khoa kia, chứ không phải dùng thuốc cho mạnh là quan trọng.

 

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Phú Yên thực hành các bước rửa tay thường quy - Ảnh: YÊN LAN

 

* Trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đâu là tồn tại lớn cần có giải pháp khắc phục, thưa ông?

 

- Tồn tại lớn nhất hiện nay là xây dựng hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn chưa đồng bộ. Kiểm soát nhiễm khuẩn rất phức tạp nhưng không phải là tốn kém ghê gớm lắm. Đầu tư để xây dựng hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn hoàn thiện còn rẻ hơn gấp mấy lần chi phí mà ta dùng để chống nó. Trong khi đó, theo thống kê đến giữa năm 2017, gần 40% bệnh viện trong cả nước chưa có đầy đủ hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn…

 

Năm 2012, Bộ Y tế đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2015”. Năm 2016, bộ này phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu đầu tiên là bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật, quy trình kỹ thuật và các tài liệu chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn; thứ hai là củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nhân lựctrong lĩnhvực kiểm soát nhiễm khuẩn. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là khoa mới; một số bệnh viện phản ánh nghe rất buồn cười, là “anh” nào làm không được việc, bị kỷ luật ở chỗ khác thì đưa đến khoa này. Thế là “chết” rồi!

 

Mục tiêu thứ ba là tăng cường các hoạt động chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là đẩy mạnh công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

 

Tiếp theo là tăng cường đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về kiểm soát nhiễm khuẩn; đẩy mạnh truyền thông về kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, trong cộng đồng để người dân hiểu. Có trường hợp một người bệnh nhập viện thì ba, bốn người nhà mang theo trẻ con vào; trẻ con chạy chỗ này sờ chỗ kia, ôi chao mình thấy mà lo! Bẩn nhất là tay nắm cửa, nút ấn cầu thang máy, bao nhiêu người sờ vào. Trẻ con sờ vào, tay bẩn mà không rửa rồi sờ vào người, cầm thức ăn, thế là nhiễm khuẩn.

 

Mục tiêu thứ sáu là đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu hệ thống các khoa phòng của bệnh viện xây không đúng chuẩn, phòng mổ không đúng chuẩn thì nhiễm khuẩn bệnh viện là đương nhiên. Và phải đạt chuẩn về thông gió, về ánh sáng mặt trời chứ không phải chỉ xây ngôi nhà cao tầng là tốt. Xây nhà cao tầng mà không thông thoáng, không có ánh sáng mặt trời, hệ thống vệ sinh ẩm thấp thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Các khoa lâm sàng, cận lâm sàng… phải được bố trí hợp lý, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và phải thông khí, có ánh sáng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn. Cần phải có thiết bị tiệt trùng và có hệ thống xử lý rác thải, nước thải, khí thải… để tiêu diệt vi khuẩn.

 

Rửa tay là việc đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để người thầy thuốc bảo vệ cho bệnh nhân và cho chính mình. Trước khi tiếp xúc với bệnh nhân thì rửa tay, tiếp xúc với bệnh nhân này xong cũng phải rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân khác. Đây là biện pháp hết sức quan trọng để cắt đứt một khâu lây truyền vi khuẩn.

 

Chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn lớn, nhưng chỉ bằng 1/4, 1/5 chi phí dùng để giải quyết hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek