Thứ Năm, 10/10/2024 06:23 SA
Cấp cứu - hồi sinh tim phổi:
Thời gian chính là tính mạng
Thứ Hai, 15/01/2018 09:24 SA

Đối với một người bị ngưng tuần hoàn, hô hấp (ngưng tim), thời gian chính là tính mạng. Mỗi phút trôi qua mà tim chưa đập lại thì khả năng tim đập lại sẽ giảm đi 10%. Vì vậy phải tranh thủ từng giây một cấp cứu - hồi sinh tim phổi nhằm cung cấp tuần hoàn và hô hấp nhân tạo, phục hồi tuần hoàn và hô hấp tự nhiên, tạo điều kiện phục hồi não.

 

TS-BS Đỗ Quốc Huy

TS-BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Trưởng Bộ môn Cấp cứu hồi sức và Chống độc, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị về hồi sinh tim phổi.

 

Tránh những sai lầm

 

* Qua thực tiễn công việc, tiến sĩ có thể cho biết đâu là những sai lầm thường gặp trong cấp cứu - hồi sinh tim phổi?

 

- Qua công tác giảng dạy, quản lý và trực tiếp làm cấp cứu hồi sức hơn 30 năm nay, tôi thấy có 3 nhóm sai lầm chính trong thực hành cấp cứu - hồi sinh tim phổi. Sai lầm đầu tiên là về tổ chức. Phần lớn các trường hợp cấp cứu - hồi sinh tim phổi không được tổ chức đúng bài bản. Khi phát hiện một bệnh nhân ngưng tim, người ta không biết phải làm gì trước, làm gì sau và làm như thế nào! Họ không có kiến thức, kỹ năng. Còn khi hồi sinh tim phổi theo nhóm thì không có người chỉ huy, mạnh ai nấy làm do không được phân công nhiệm vụ cụ thể, không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong nhóm…

 

Nhóm sai lầm thứ hai là bỏ phí rất nhiều thời gian đáng lẽ phải dành cho cấp cứu - hồi sinh tim phổi, vì mỗi giây trôi qua vô nghĩa, cơ hội cứu sống bệnh nhân ngưng tim giảm đi rất nhiều. Với người làm cấp cứu - hồi sinh tim phổi, thời gian chính là tính mạng của bệnh nhân. Hãy nhớ rằng mỗi phút trôi qua mà tim chưa đập lại, thì khả năng tim đập lại sẽ giảm đi 10%.

 

Nếu sau 10 phút mà tim của bệnh nhân chưa đập lại, thì gần như không cứu được nữa; bệnh nhân tử vong. Vì vậy phải làm cho tim đập lại càng sớm càng tốt, tranh thủ từng giây từng giây một. Trước đây, do quan niệm ngưng tim là tim không đập, nên người ta bỏ phí rất nhiều thời gian để tìm bằng chứng tim không đập. Bây giờ các nhà khoa học đưa ra tiêu chí làm sao để dễ phát hiện nhất, đủ để xác định bệnh nhân ngưng tim và tiến hành cấp cứu - hồi sinh tim phổi ngay.

 

Chỉ cần hai tiêu chí chính: thứ nhất là bệnh nhân đột ngột mất ý thức, thứ hai là bệnh nhân không thở hoặc thở ngáp. Người dân bình thường không qua đào tạo, nếu thấy một người bất tỉnh, không thở hoặc thở ngáp là ép tim liền. Nhân viên y tế đã được đào tạo trên lĩnh vực này thì làm thêm động tác: kiểm tra mạch cảnh hoặc mạch bẹn của bệnh nhân. Nếu mất mạch cảnh hoặc mạch bẹn là kết luận bệnh nhân ngưng tim, tiến hành ép tim ngay và liên tục. Nếu ta ngưng ép tim quá 10 giây thì có nguy cơ máu không lên não được nữa, vậy là hỏng luôn.

 

Sai lầm thứ ba là cấp cứu - hồi sinh tim phổi không đúng về kỹ thuật, do người cấp cứu không được huấn luyện, không có kỹ năng thực hiện các kỹ thuật: ép tim, hà hơi thổi ngạt…

 

Gọi cấp cứu; tiến hành ép tim đúng, đủ mạnh và đủ nhanh

 

* Khi phát hiện có người bị ngưng tim, việc đầu tiên mà người dân cần phải làm là gì, thưa tiến sĩ?

 

- Khi có một người đột ngột đổ sụp xuống, rất nhiều khả năng người đó bị ngưng tim. Việc cần thiết đầu tiên là bấm số 115 gọi cấp cứu. Cuộc gọi sẽ được nối đến trung tâm cấp cứu của tỉnh, thành phố đó. Người trực tổng đài sẽ nghe máy và hướng dẫn cho người gọi biết phải làm gì, tùy vào hoàn cảnh. Ví dụ: Đang ở trong nhà hát thì có một người bị ngất, nhân viên trực tổng đài cấp cứu sẽ hướng dẫn người gọi kiểm tra xem người bị ngất có thở không, nếu không còn thở hoặc thở ngáp tức là đã ngưng tim rồi, hãy đặt tay lên giữa lồng ngực nạn nhân, ép tim trong lúc chờ xe cấp cứu đến.

 

Ép tim đúng, đủ mạnh, đủ nhanh sẽ mang đến cơ hội sống cho bệnh nhân ngưng tim - nguồn: suckhoedoisong.vn

 

* Muốn cấp cứu - hồi sinh tim phổi đạt hiệu quả thì phải đào tạo, huấn luyện, trong đó đâu là vấn đề then chốt?

 

- Trong công tác đào tạo, huấn luyện cấp cứu - hồi sinh tim phổi, vấn đề then chốt là thực hiện đúng quy trình. Thế giới đã xây dựng quy trình xử trí hồi sinh tim phổi cơ bản và hồi sinh tim phổi nâng cao. Người dân chỉ cần học và biết cách hồi sinh tim phổi cơ bản. Ở các nước phát triển, kiến thức, kỹ năng này đã được đưa vào trường phổ thông, học sinh biết cách hồi sinh tim phổi cơ bản. Kiến thức, kỹ năng này cũng đã được phổ cập cho mọi người.

 

Cần phổ cập kiến thức và huấn luyện

 

* Theo tiến sĩ, làm thế nào nâng cao chất lượng cấp cứu - hồi sinh tim phổi, nhất là ở những địa phương xa các trung tâm?

 

- Để nâng cao chất lượng cấp cứu - hồi sinh tim phổi, chúng ta phải làm hai việc: phổ cập kiến thức, huấn luyện kỹ năng và cách tổ chức cho mọi người. Người dân bình thường thì học cách hồi sinh tim phổi cơ bản; nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế làm việc ở những khoa có thể gặp trường hợp ngưng tim, thì cần được huấn luyện nâng cao về kỹ năng và cách tổ chức cấp cứu - hồi sinh tim phổi. Thứ hai là trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị cấp cứu - hồi sinh tim phổi cho các cơ sở cấp cứu. Người ta được huấn luyện đầy đủ nhưng không có dụng cụ, thiết bị thì cũng… chịu.

 

Hồi sinh tim phổi - chuỗi sống còn bao gồm: phát hiện và gọi cấp cứu, tiến hành ép tim, khử rung sớm và hồi sinh tim phổi nâng cao. Ép tim đúng, đủ mạnh, đủ nhanh và khử rung tim sớm sẽ quyết định lưu lượng máu não. Nhiều nghiên cứu cho thấy: Nếu được huấn luyện tốt, trang bị đầy đủ và tổ chức hợp lý thì tỉ lệ cứu sống bệnh nhân ngưng tim đột ngột đạt từ 49-74%. Và nếu được hồi sinh tim phổi ngay, được khử rung tim trước 5 phút thì tỉ lệ sống sót có thể tăng từ 2-3 lần!

 

* Việc phổ cập kiến thức, trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cho người dân liệu có khả thi, thưa tiến sĩ?

 

- Khả thi chứ! Đây là công việc rất cần thiết và khả thi, đã được chứng minh ở các nước phát triển. Tại Pháp, Mỹ…, việc này đã được phổ cập đến người dân. Từ lớp 1, trong hoạt động ngoại khóa, các em đã học cách cứu bạn như thế nào. Tôi cho rằng bên cạnh việc đưa nội dung này vào trường học thì cũng cần phải phổ cập cho nhân viên công sở, văn phòng, công nhân ở các nhà máy, công trường… Tại TP Hồ Chí Minh, các văn phòng của công ty nước ngoài, các nhà máy có yếu tố nước ngoài đã triển khai nội dung này, một số trường lớn cũng đã đưa vào dạy. Sức lan tỏa rất rộng.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek