Thứ Sáu, 11/10/2024 08:21 SA
Giữ gìn đôi mắt, phòng ngừa tật khúc xạ học đường:
Dễ mà khó!
Thứ Hai, 02/10/2017 00:00 SA

Tật khúc xạ học đường (cận thị học đường) đang ở mức báo động. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ học đường chiếm từ 25-40%, ở một số thành phố lớn con số này lên tới 80%. Trao đổi với Báo Phú Yên xoay quanh thực trạng này và việc giữ gìn đôi mắt, bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên, cho biết:

 

Bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ - Ảnh: YÊN LAN

Bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) tức là mắt có bất thường ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không hiện đúng trên võng mạc của mắt. Khi đó chúng ta nhìn đồ vật sẽ bị nhòe mờ, nhìn không rõ, nhìn lâu thì mắt nhức và mỏi. Cận thị là từ dùng chung nhưng có sự khác biệt giữa tật cận thị và bệnh cận thị, tật thì độ cận thường không quá 6D, còn bệnh thì có thể đến 20D, thậm chí 60D. Bệnh cận thị luôn kèm theo các biến chứng nặng nề như teo gai thị, thoái hóa võng mạc…

 

Tính đến năm 2015, đã có hơn 14 triệu người Việt Nam mắc tật khúc xạ. Trẻ em từ 6-15 tuổi có tỉ lệ mắc tật khúc xạ từ 25-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn.

 

* Thưa bác sĩ, vì sao ngày càng có nhiều trẻ em mắc tật khúc xạ học đường, và tỉ lệ trẻ mắc phải ở khu vực đô thị cao hơn khu vực nông thôn?

 

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ ở trẻ em. Một số nghiên cứu lớn cho thấy ở các nước đang phát triển, tỉ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ tăng đột biến, sau đó ổn định dần. Thực trạng trẻ em mắc tật khúc xạ ở Việt Nam hiện nay giống như Nhật Bản, Hàn Quốc 30, 40 năm trước. Điều mà người ta nghĩ đến nhiều nhất là sự phát triển tăng chiều cao của con người nhanh, nhãn cầu lớn hơn nhưng giác mạc không đáp ứng kịp, dẫn đến tật khúc xạ.

 

Đó là một giả thuyết. Ở khu vực nông thôn hoặc những vùng khó khăn, sự phát triển tăng chiều cao của con người chậm hơn ở khu vực đô thị. Còn theo một số nghiên cứu khác, việc sử dụng thị lực nhìn gần nhiều trong học tập là một nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ học đường. Như vậy, hai nguyên nhân chính gây ra tật khúc xạ học đường đều tập trung ở khu vực đô thị.

 

Bác sĩ kiểm tra mắt cho một học sinh tại Bệnh viện Mắt Phú Yên (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: YÊN LAN

* Một số thói quen trong sinh hoạt có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng cận thị, ví dụ trẻ con xem tivi, chơi games trên điện thoại, máy tính bảng trong khoảng thời gian khá dài?

 

- Đó cũng là một yếu tố. Khi sử dụng thị lực nhìn gần nhiều, như xem tivi, chơi games trên điện thoại thông minh, máy tính bảng... sẽ làm tăng sự điều tiết liên tục, không có thời gian cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn xa dẫn đến mắc phải tật khúc xạ.

 

* Khi trẻ mắc phải tật khúc xạ học đường, cách điều trị nào là hiệu quả nhất, thưa bác sĩ?

 

 - Khi mắc tật khúc xạ, cách phổ biến nhất là đeo kính. Một số thuốc được cho rằng sẽ hạn chế thế này thế kia nhưng chưa có một công trình khả dĩ nào đánh giá rằng nó có tác động lớn, cụ thể là hạn chế được tật khúc xạ. Khi mắc phải tật khúc xạ thì cách tốt nhất là đeo kính. Hiện giờ có nhiều loại kính: kính đeo liên tục, kính đeo vào ban đêm… để người bị tật khúc xạ lựa chọn.

 

Phẫu thuật bằng laser cũng là một phương pháp, nhưng chỉ định cho những người không còn tăng độ khúc xạ, thường là trên 18 tuổi. Sau một thời gian nhất định mà không thay đổi về độ khúc xạ thì mới có thể phẫu thuật bằng laser. Phương pháp này rất ít biến chứng, tỉ lệ thành công rất cao nhưng cũng là một phẫu thuật không được khuyến cáo rộng rãi. Tùy theo đặc thù công việc của người mắc tật khúc xạ, nếu họ là vận động viên, diễn viên… không thể đeo kính thường xuyên thì có thể chọn phương pháp phẫu thuật, còn những người làm công việc khác thì tốt nhất là đeo kính.

 

* Có ý kiến cho rằng mang kính sẽ làm... tăng độ cận thị. Điều này có vẻ rất vô lý phải không?

 

- Đây là quan niệm sai lầm của một số người làm cha làm mẹ. Họ cứ sợ con mình đeo kính thì sẽ tăng độ. Thực tế thì có đeo kính cũng tăng mà không đeo cũng tăng, đó là chuyện đương nhiên xảy ra đối với trẻ đã mắc tật khúc xạ học đường. Và cái kính không thể làm tăng độ. Nếu muốn không tăng độ thì cần phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho đôi mắt, sau từ 30 phút đến một giờ sử dụng thị lực nhìn gần thì phải để cho mắt nghỉ ngơi khoảng 15 phút; sử dụng ánh sáng tốt... Chứ còn không đeo kính là sai lầm. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trẻ bị cận thị mà không đeo kính thì sức học sẽ giảm sút, sinh hoạt cũng bị hạn chế nên tự ti, mặc cảm…

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

YÊN LAN (thực hiện)

 

Cách chăm sóc mắt giữ gìn đôi mắt

 

- Đảm bảo nơi học tập và làm việc đầy đủ ánh sáng: Ánh sáng dùng làm việc thường có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Không nên chỉ dùng một đèn để đọc sách trong phòng tối. Nếu học ban đêm, ngoài ánh sáng phòng ta cần đèn bàn, đèn phải có chụp phản chiếu. Nên sử dụng kết hợp đèn điện bóng tròn và đèn ống. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách, học và làm bài là chiếu sáng từ sau, từ trên xuống, nghịch với bên tay thuận.

 

- Kích thước của bàn, ghế: Phải phù hợp với chiều cao của từng người để có thể nhìn đúng khoảng cách từmắt đến tập, sách và không phải cúi đầu nhiều.

 

- Tư thế ngồi đúng: Ngồi thẳng lưng, hai chân khép lại, hai bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ, không được cúi gầm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách vở một khoảng cách thích hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách gần là khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái hoặc ngón trỏ cong lại đến cùi chỏ (trung bình khoảng 35cm).

 

- Giảm mọi căng thẳng của mắt: không sử dụng mắt quá lâu, nhất là học sinh cấp 1 và những em thị lực kém. Hạn chế thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử, vi tính… Không đọc sách truyện có chữ quá nhỏ hay mờ, hình ảnh lem nhem. Mỗi 20 phút làm việc gần chúng ta nhìn ra xa 1 khoảng cách 6m trong thời gian khoảng 3-5 phút. Không làm bất cứ việc gì phải huy động thị giác gần quá 45 phút. Nên xem tivi ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng màn hình tivi (ví dụ đối với tivi 21 inch nên ngồi cách xa màn hình 3,5m). Nên ngồi thẳng khi xem tivi, nên có chiếu sáng trong phòng, nhưng tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp màn hình. Đối với trẻ em nên giới hạn việc xem tivi khoảng 1 đến vài giờ/ngày. Nếu có tật khúc xạ thì nên đeo kính khi xem tivi.

 

(benhvienmat.com)
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek