Thứ Sáu, 11/10/2024 14:24 CH
Bổ sung canxi, vitamin D: Đơn giản nhưng không… dễ
Thứ Hai, 18/09/2017 09:08 SA

Vận động hợp lý dưới ánh nắng mặt trời là cách bổ sung vitamin D hiệu quả - Ảnh: YÊN LAN

Không chỉ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa cũng như điều trị loãng xương, vitamin D và canxi còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những ý kiến trái chiều về nguy cơ lên hệ tim mạch, hệ tiết niệu của hai chất này. Câu hỏi đặt ra là sử dụng canxi và vitamin D như thế nào cho hợp lý, có lợi nhất cho sức khỏe?

 

Những hệ quả của việc thiếu canxi, vitamin D

 

Theo các chuyên gia chuyên ngành loãng xương, bệnh loãng xương đã ảnh hưởng đến 3,5 triệu người Việt Nam; hậu quả đáng lo ngại nhất là gãy cổ xương đùi, bệnh nhân bị tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Muốn phòng ngừa căn bệnh âm thầm nhưng cũng rất đáng sợ này thì phải có chế độ ăn bổ sung đủ canxi và vitamin D, vận động hợp lý, đồng thời từ bỏ những thói quen không tốt cho xương như uống rượu bia, hút thuốc lá…

 

Có một điều khá lạ là dù sống ở xứ nhiệt đới, nhiều người Việt Nam lại thiếu vitamin D. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Lan (Phó Chủ tịch thường trực Hội Thấp khớp học Việt Nam, giảng viên cao cấp bộ môn Nội Tổng hợp - Trường Đại học Y Hà Nội), thực trạng thiếu vitamin D trước hết là do chế độ ăn của người dân không cung cấp đủ chất quan trọng này. Thêm vào đó, lẽ ra đã có được nhiều vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý, nhiều người vì sợ sạm đen làn da châu Á nên “che chắn” rất kỹ mỗi khi đi ra ngoài. “Những người có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng thì như thế, còn người làm việc trong công sở ở các đô thị lớn thì sao? Sáng đến cơ quan và ở trong tòa nhà cho đến chiều mới về, chẳng có tí ánh nắng mặt trời nào cả; hôm nào được nghỉ ngơi đi ra ngoài thì lại… che chắn làn da một cách cẩn thận. Đấy là những nguyên nhân làm cho chúng ta bị thiếu vitamin D”, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.

 

Vitamin D được coi là một nội tiết tố và đóng vai trò quan trọng trên nhiều phương diện. Trong báo cáo khoa học “Vitamin D và nhuyễn xương”, PGS-TS Ngọc Lan phân tích kỹ: Một trong những hậu quả của thiếu vitamin D là chứng nhuyễn xương - một bệnh rối loạn chuyển hóa xương có đặc điểm là quá trình khoáng hóa xương không đầy đủ. Sự khoáng hóa trong quá trình tạo xương đòi hỏi phải có đủ nồng độ canxi ion hóa. Vitamin D là một nhóm các secosteroid tan được trong chất béo, có chức năng làm tăng cường khả năng hấp thu canxi và phosphat ở đường ruột. Ở người, các hợp chất quan trọng nhất trong nhóm này là vitamin D3-cholecalciferol và vitamin D2-ergocalciferol. Vitamin D2 hoặc D3 có thể đưa vào cơ thể thông qua thức ăn và các biện pháp bổ sung. Cơ thể cũng có thể tổng hợp vitamin D (đặc biệt là cholecalciferol) ở da, từ cholesterol, khi da được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời sau khi được dihydroxylation tại gan và thận để thành calcitriol. Khi nồng độ quá thấp, sự khoáng hóa tại xương diễn ra không được bình thường...”. Nhuyễn xương làm yếu cơ, đau xương và nghiêm trọng hơn là gãy xương.

 

Bổ sung canxi và vitamin D: Cách nào hợp lý?

 

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, những người trẻ thiếu vitamin D thì chỉ cần sử dụng ánh nắng mặt trời là đủ. Với những người già thường xuyên ở trong nhà, hạn chế vận động, da lại không còn có thể tổng hợp được nhiều vitamin D thì tình trạng thiếu vitamin D càng đáng ngại hơn.

 

Vitamin D trong thực phẩm không nhiều, nhưng ánh nắng mặt trời thì tràn ngập ở xứ sở nhiệt đới, vì vậy đa phần chỉ cần sử dụng ánh nắng mặt trời là đủ. Nếu không sử dụng được ánh nắng mặt trời thì phải bổ sung vitamin D qua đường uống với liều an toàn. “Theo đồng thuận toàn cầu 2017 đối với phòng ngừa còi xương và nhuyễn xương, liều vitamin D 400 IU hàng ngày được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh từ khi sinh ra và 600 IU cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Đối với các đối tượng khác có thể cần bổ sung canxi và vitamin D kéo dài tùy mức độ thiếu hụt”, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết.

 

Theo PGS-TS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam: Bên cạnh vai trò trong điều trị loãng xương và phòng ngừa gãy xương liên quan loãng xương, ngày càng có nhiều báo cáo về vai trò của vitamin D trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Có mối liên quan nghịch giữa nồng độ vitamin D trong máu và nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp và suy tim. Nghiên cứu CaMos ở Canada theo dõi hơn 9.000 bệnh nhân trong hơn 10 năm, cho thấy canxi làm giảm nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch, và tác dụng này độc lập với lượng vitamin D đang dùng. Có nghiên cứu cho thấy nồng độ vitamin D ở nhóm bệnh nhân bị tiền sản giật và sản giật thấp hơn có ý nghĩa so với nhóm không bị; việc bổ sung canxi ở thai phụ cũng có thể làm giảm tần suất tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và sản giật. Gần đây, các nghiên cứu cho thấy vitamin D3 có vai trò quan trọng trong việc điều hòa miễn dịch, và nồng độ vitamin D cao giúp giảm hơn 65% nguy cơ ung thư…

 

Song song với những lợi ích (vẫn còn cần được xem xét, đánh giá lại bằng các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn, có độ tin cậy cao hơn), việc bổ sung canxi và vitamin D, đặc biệt là canxi đơn độc cũng được xem là có thể liên quan với một số biến cố tim mạch bất lợi, nguy cơ sỏi thận… “Tuy nhiên, không phải loại canxi và vitamin D nào cũng có tác dụng phụ. Canxi và vitamin D trong thực phẩm bổ sung không có tác dụng có hại lên hệ tim mạch, có lẽ do các viên thuốc bổ sung phóng thích canxi và vitamin D quá nhanh so với các chất chứa trong thực phẩm. Điều đó đặt ra vấn đề chỉ nên bổ sung canxi và vitamin D khi lượng thức ăn của bệnh nhân không đủ nhu cầu canxi và vitamin D theo khuyến cáo”, PGS-TS Lê Anh Thư nói.

 

Sử dụng canxi và vitamin D như thế nào cho hợp lý?

 

- Tận dụng tối đa canxi nguồn gốc từ thực phẩm: sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, các loại thức ăn giàu canxi: hải sản, thủy sản, các loại rau và trái cây đậm màu.

 

- Bổ sung 600-1.000mg canxi hàng ngày, nếu chế độ ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

 

- Bổ sung từ 700-1000 IU vitamin D/ngày, trung bình 800 IU/ngày, cho những người trên 65 tuổi, có loãng xương, có nguy cơ té ngã cao, vì đã có chứng cứ cho thấy việc dùng vitamin D làm giảm nguy cơ té ngã ở những đối tượng này.

 

- Khuyến cáo sử dụng vitamin D cho những người ≥ 65 tuổi sống trong cộng đồng có nguy cơ bị té ngã cao. Liều trung vị của các nghiên cứu là 800 IU/ngày.

 

- Nên chỉ định vitamin D liều cao 2.000-4.000 IU/ngày cho những người có thiếu vitamin D. Trong một số trường hợp, có thể dùng 5.000 UI/ngày khi vitamin D < 20 ng/mL hoặc 50 nmol/L (BT > 30ng/mL hoặc > 75nmol/L).

 

- Nên dùng kết hợp canxi và vitamin D để phòng ngừa và điều trị loãng xương. Theo phân tích gộp của Cochrane thì chỉ có vitamin D kết hợp với canxi mới làm giảm nguy cơ gãy xương.

 

- Không sử dụng canxi và vitamin D quá nhu cầu hàng ngày của cơ thể (theo tuổi, giới, trạng thái cơ thể…)

 

- Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc khi dùng canxi: chọn canxi dễ hòa tan, dễ hấp thu, uống sau các bữa ăn, uống kèm nhiều nước, duy trì chế độ vận động thường xuyên và thích hợp theo độ tuổi và sức khỏe.

 

Báo cáo khoa học “Sử dụng hợp lý canxi và vitamin D”

của hai tác giả Lê Anh Thư, Trần Ngọc Hữu Đức

(Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh)

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek