Sốt xuất huyết (SXH) do vi rút Dengue gây nên, là một bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Nếu không được khống chế kịp thời, dịch sẽ bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể dẫn đến tử vong. Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng là vùng lưu hành của SXH, hàng năm đều có ca bệnh SXH, có khi bùng phát thành dịch lớn, đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhân loại đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh SXH, đường lây và triệu chứng bệnh lý cũng như phương pháp điều trị và cách dập dịch. Vậy mà đã hơn nửa thế kỷ qua, SXH vẫn đang là vấn đề y tế không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã có hơn 80.000 ca mắc SXH với hàng chục trường hợp tử vong. Tại Phú Yên, tuy SXH chưa bùng phát trên diện rộng nhưng đã có gần 1.000 trường hợp mắc bệnh với hơn 50 ổ dịch lớn nhỏ. Ngay từ đầu năm 2017, ngành Y tế Phú Yên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh. Ngay khi có ca bệnh đầu tiên, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai đồng loạt các biện pháp chống dịch như khoanh vùng dịch tễ, điều trị ca bệnh, đổ bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi…; đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động truyền thông để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong từng cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình, nhờ đó cho đến nay dịch cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường là điều kiện lý tưởng cho côn trùng phát triển, nhất là muỗi Aedes Aegypti (trung gian truyền bệnh SXH). Muỗi Aedes Aegypti thích đẻ trứng ở nơi có nước trong, từ trứng cho đến lăng quăng và phát triển thành muỗi trưởng thành chỉ từ 8-10 ngày. Xét về phương diện dịch tễ học cho thấy dịch xảy ra khi có tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh và khối cảm nhiễm (người lành). Hiện nay ở Phú Yên đã hội đủ các yếu tố này, đã có nguồn lây (người bị SXH), điều kiện thuận lợi để muỗi Aedes Aegypti phát triển mạnh và khả năng di chuyển của loại muỗi này trong vòng bán kính từ 120-200m, chưa kể muỗi có thể “quá giang” theo các phương tiện giao thông để đi xa hơn và đốt người thì nguy cơ bùng phát dịch SXH trên diện rộng ở Phú Yên là không nhỏ. Gần đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch SXH và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Từ kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác, biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất là diệt bọ gậy. Phun thuốc diệt muỗi chỉ là hỗ trợ bởi vì nếu không đổ bọ gậy triệt để thì khi phun thuốc diệt muỗi chỉ diệt được muỗi trưởng thành, số bọ gậy sẽ phát triển vài ngày sau thành muỗi và có thể lây lan SXH. Nếu chúng ta tiến hành đồng loạt, triệt để ba biện pháp phòng chống bệnh được ngành Y tế khuyến cáo là đổ bọ gậy, diệt muỗi và phòng muỗi đốt thì chắc chắn sẽ không bùng phát dịch SXH.
Vậy tại sao năm nào, đợt dịch nào chúng ta cũng đã tiến hành các biện pháp đó mà không khống chế triệt để SXH? Theo các nhà khoa học, có sự thay đổi về tuýp vi rút gây bệnh. Trước đây chỉ có hai trong bốn tuýp vi rút Dengue gây bệnh SXH, nhưng hiện nay cả bốn tuýp (I, II, III, IV) đều có thể gây bệnh. Do đó biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân bị SXH nặng nề hơn, trước đây bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng hiện nay cả người lớn cũng mắc SXH và bệnh thường nặng hơn... Véc tơ truyền bệnh chưa có thay đổi đáng kể, muỗi truyền bệnh SXH chủ yếu vẫn là muỗi Aedes Aegypti, một vài nơi có Aedes Albopitus (muỗi hổ, sống ở bờ bụi quanh nhà) nhưng không đáng kể. Các thử nghiệm trên thực địa cho thấy muỗi vẫn còn nhạy cảm với các hóa chất diệt muỗi mà chúng ta đang sử dụng. Đối với khối cảm nhiễm thực tế khó tránh được muỗi đốt nếu như trong nhà, trong môi trường muỗi vẫn còn.
Vì vậy, phòng chống dịch SXH quan trọng nhất vẫn là đổ bọ gậy phối hợp với phun hóa chất diệt muỗi. Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp “Không có bọ gậy thì không có SXH” và vận động để mọi người phải thực hiện đồng loạt, thường xuyên mới có hiệu quả.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên