Chủ Nhật, 06/10/2024 09:34 SA
Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm
Thứ Tư, 31/10/2007 14:05 CH

Chiều 30/10, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguy cơ lan rộng. Đây là loại dịch bệnh có nguy cơ tử vong lên tới 40-50%. Hiện đã có 36 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện ở Hà Nội, Hà Tây và Vĩnh Phúc.

 

071031-long.jpg
Nên loại các thực phẩm có nhiều nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cấp, đặc biệt là mắm tôm, ra khỏi thực đơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, nguyên nhân chính dẫn tới dịch bệnh là do nguồn thực phẩm bị ô nhiễm.

 

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã bắt đầu xảy ra từ ngày 23/10. Đến nay, tổng cộng đã có 36 bệnh nhân mắc bệnh, trong đó Hà Nội có 30 trường hợp, Vĩnh Phúc 2 trường hợp và Hà Tây 4 trường hợp.

 

Tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau do vi-rút, vi khuẩn và do thực phẩm mất an toàn gây nên. Các trường hợp bị tiêu chảy cấp nguy hiểm hầu hết liên quan đến thực phẩm không đảm bảo, trong đó đa số người bị là do ăn thực phẩm sống, đặc biệt là mắm tôm. Cho đến thời điểm này, chưa phát hiện có trường hợp nào lây từ người sang người do quản lý được nguồn thải của bệnh nhân. 

 

Các trường hợp bệnh nhân được điều trị có chung triệu chứng nôn, mất nước, tiêu chảy nhiều. Thậm chí có trường hợp phải truyền dịch từ 10-15 lít mỗi ngày. Đối với căn bệnh này, nếu kịp thời được điều trị bằng cách bù nước và điện giải kịp thời sẽ đẩy lùi được bệnh, còn không khi bệnh nhân bị mất nước, nguy cơ tử vong sẽ rất lớn. 

 

Từ ngày 24/10 đến nay, Hà Nội đã có 30 trường hợp được phát hiện tiêu chảy cấp tại 11/14 quận huyện. Các nạn nhân nằm trong nhóm tuổi lao động, cư trú phân tán tại nhiều nơi.

 

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế cho biết, các trường hợp bị tiêu chảy cấp hầu hết liên quan đến thực phẩm không đảm bảo, trong đó 90% số người bị là do ăn mắm tôm sống. Đây là bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao, tuy vậy người dân hoàn toàn có thể phòng chống được nếu tuân thủ các khuyến cáo về VSATTP. 

Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Hà Nội và các tỉnh mở chiến dịch tổng tiến công  về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó hải sản, cá tươi, mắm tôm, thực phẩm chưa chín cần loại hoàn toàn khỏi thực đơn của người dân.

 

Đối với những gia đình của người bệnh, ngành y tế đã phát thuốc sát khuẩn đến từng gia đình, thực hiện xử lý nguồn nước quan khu vực gây bệnh. Nhân viên y tế trực 24/24 h ở các khu vực nhiễm dịch. Đối với những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân đã được điều trị bằng kháng sinh dự phòng.  

 

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đã có công điện khẩn gửi các tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An... chỉ đạo triển khai các hoạt động chống dịch, sẽ phải ngừng vận chuyển mắm tôm ra ngoại tỉnh và ngay trong nội bộ các tỉnh, không để nguồn thực phẩm ô nhiễm, chuyển từ chỗ nào sang chỗ khác. 

 

Theo dự báo từ Bộ Y tế, dịch đường tiêu hoá lây lan theo thực phẩm, có thể xuất hiện ở nhiều nơi, nếu chúng ta không quyết liệt trong dập dịch ngay thì nguy cơ có thể xảy lan tràn cao. 

 

Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, từ 40% đến 50% . Do đó, ngành y tế khuyến cáo đến các gia đình, nếu có triệu chứng bệnh như nôn mửa, tiêu chảy nên đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế, vì nếu đến muộn, người bệnh khó có cơ hội cứu chữa do quá trình chuyển bệnh rất nhanh. Và nên đưa ngay người bệnh tới Bệnh viện Y học Lâm sàng và các bệnh nhiệt đới.

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ ngày 29/10, Bộ Y tế tuyên bố thành lập “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm” và có công điện khẩn gửi tất cả các cơ sở y tế trong cả nước để đối phó với căn bệnh này. 

 

Ngày mai, 31/10, Bộ Y tế thực hiện tổng kiểm tra VSATTP tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bộ lập 4 đoàn đi kiểm tra các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá. Đợt kiểm tra này sẽ tập trung cho đến khi hết dịch. 

 

 

4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm:

 

- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi; tránh tập trung ăn uống đông người; hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

 

- An toàn vệ sinh thực phẩm: mọi nhà, mọi người đều thực hiện ăn chín uống sôi; không ăn rau sống, uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

 

- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.

 

- Khi có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời. 

 

Theo DTO

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cảnh giác với bệnh sán lá phổi
Thứ Tư, 31/10/2007 10:30 SA
Các loại trái cây bổ trí não
Thứ Ba, 30/10/2007 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek