Thứ Hai, 25/11/2024 22:34 CH
Đối phó với bệnh cường giáp
Thứ Hai, 12/06/2017 13:00 CH

Bác sĩ Đỗ Đình Tùng trao đổi với người nhà bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng cho một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ung bướu (ảnh minh họa) - Ảnh: YÊN LAN

Là bệnh nội tiết thường gặp với số người mắc chiếm khoảng 10% dân số, cường giáp có những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị, từ nội khoa, ngoại khoa cho đến xạ trị sẽ giúp người bị cường giáp có được sức khỏe.

 

Gần 3 tháng trước, chị N.T.L ở phường 3 (TP Tuy Hòa), thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, người bứt rứt khó chịu. Soi gương, chị thấy một vị trí trên cổ mình dường như to hơn bình thường. Vô cùng lo lắng, chị L xin phép cơ quan nghỉ việc 2 ngày để đi kiểm tra sức khỏe. Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ kết luận chị bị cường giáp. “Lúc đầu tôi rất hoang mang nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ, tôi yên tâm điều trị và tái khám định kỳ”, chị L cho biết.

 

Chị N.T.N ở phường 1 (TP Tuy Hòa) được phát hiện mắc bệnh cường giáp từ mấy năm trước. Chị cho biết: “Tôi dùng thuốc và ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là không làm việc quá sức như trước nữa. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tôi được biết mọi thứ đã ổn”.

 

Theo y văn, dưới sự điều khiển của tuyến yên nằm trên não, tuyến giáp sản xuất hormon T3 (liothyronin) và T4 (levothyroxin) thông qua hormone tuyến yên Thyroid Stimulating Hormone (TSH). Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp làm gia tăng sản xuất hormon tuyến giáp T3 và T4 vào máu gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Bệnh cường giáp có thể do các yếu tố bên ngoài tuyến giáp gây ra, như nguyên nhân tự miễn (được biểu hiện bởi bệnh basedow, xuất hiện các kháng thể kích thích tế bào tuyến giáp tăng sản xuất T3 và T4 gây cường giáp), u thùy trước tuyến yên tăng sản xuất TSH hoặc các u khác tăng sản xuất hoạt chất giống như TSH. Bệnh này cũng có thể có nguyên nhân tại tuyến giáp, khi một phần mô của tuyến này tăng hoạt động do mất sự kiểm soát của tuyến yên làm tăng sản xuất hormon tuyến giáp.

 

Bác sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Bị cường giáp, bệnh nhân thường giảm cân nhưng cũng có trường hợp tăng cân. Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, nóng nảy, bứt rứt khó chịu, ra mồ hôi tay... Đó là giai đoạn đầu. Cường giáp kích thích tim, làm cơ tim hoạt động quá mức dẫn đến suy tim, nếu như không điều trị kịp thời”.

 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc bệnh cường giáp mà không được điều trị sẽ phải đối mặt với cơn cường giáp cấp, còn gọi là cơn bão giáp với những biểu hiện như sụt cân nhanh, ra nhiều mồ hôi, sốt cao, tim đập rất nhanh (180-200 lần/phút), loạn nhịp tim… Và suy tim chính là biến chứng đáng sợ của bệnh cường giáp, nếu như bệnh nhân điều trị muộn hoặc điều trị không đầy đủ.

 

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào biết được một người bị cường giáp, và quá trình điều trị có phức tạp không? Theo bác sĩ Đỗ Đình Tùng, khi có những biểu hiện nghi ngờ bị cường giáp, người bệnh hãy đến bệnh viện để được xét nghiệm máu, kiểm tra xem nồng độ hormon tuyến giáp T3 và T4 có tăng hay không, nồng độ hormone tuyến yên TSH có giảm không. Bác sĩ cũng có thể đo độ tập trung iod phóng xạ tại tuyến giáp. Nếu độ tập trung cao thì người đó đã mắc bệnh cường giáp.

 

Bác sĩ Đỗ Đình Tùng cho biết thêm, việc điều trị bệnh cường giáp cũng không phức tạp. Trước hết là điều trị nội khoa, bằng thuốc kháng giáp tổng hợp và phải điều trị lâu dài. Nếu điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả thì điều trị bằng iod phóng xạ. Tùy vào từng bệnh nhân mà bác sĩ đưa liều iod phóng xạ vào cơ thể qua đường uống. Uống từ 3-6 tháng thì kiểm tra xem nồng độ hormon tuyến giáp đã trở về bình thường chưa. Thường thì sau 1-2 đợt xạ trị, bệnh sẽ khỏi. Việc điều trị bằng iod phóng xạ (iod 131) được cho là an toàn đối với bệnh nhân trên 40 tuổi, thể trạng yếu, không thể điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp xạ trị này được khuyến cáo không áp dụng đối với bệnh nhân đang mang thai và trẻ em vì nguy cơ đột biến gen. “Người bị cường giáp không nên ăn những thức ăn có nhiều iod như tôm, cua, cá biển...; không làm việc quá nhiều, tránh để đầu óc căng thẳng”, bác sĩ Đỗ Đình Tùng khuyến cáo.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek