Thứ Bảy, 12/10/2024 12:22 CH
Biết chỉ số huyết áp: Góp phần kiểm soát tốt bệnh lý tim mạch
Thứ Hai, 15/05/2017 10:31 SA

Chỉ số huyết áp (HA) là chỉ số chỉ báo hết sức quan trọng đánh giá tình trạng sức khỏe nói chung, hệ thống tim mạch nói riêng.

 

Các bệnh lý về tim mạch và nhiều bệnh lý toàn thân có tác động làm thay đổi chỉ số HA. Vì vậy trong y học, chỉ số HA là một trong các dấu hiệu hết sức quan trọng được gọi là dấu hiệu sinh tồn (mạch, nhiệt, HA). Hiện nay, các bệnh lý làm tăng huyết áp (HA cao) đang có xu hướng gia tăng. Nếu cao HA không được quản lý và điều trị tốt sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, có biến chứng xảy ra đột ngột (gọi là tai biến) rất dễ tử vong hay để lại di chứng nặng nề.

 

HA là áp lực của máu tác động lên thành mạch do sức bóp của cơ tim đẩy một lượng máu vào hệ thống mạch máu. Áp lực này tùy thuộc vào các yếu tố như sức bóp của cơ tim, sự giãn nở của thành mạch máu, lượng máu được tống vào lòng mạch trong mỗi lần bóp, tốc độ vận chuyển của dòng máu và sức cản của lòng mạch máu. Do đó, bất kỳ yếu tố nào trong các yếu tố kể trên có biểu hiện bất thường đều ảnh hưởng đến HA. Ví dụ: Xơ vữa động mạch sẽ giảm khả năng đàn hồi của mạch máu dẫn đến HA cao, mạch máu co mạnh cũng làm tăng HA; nhịp đập tim nhanh, mạnh tống máu nhiều vào lòng mạch trong khi mạch máu giãn nở không kịp thời (trong xơ vữa động mạch) cũng gây tăng HA. Nhiều bệnh lý nội khoa khác như viêm cầu thận, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa... dần dần cũng dẫn đến biến chứng cao HA và có nhiều người bị cao HA nhưng không tìm được nguyên nhân.

 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng như Hiệp hội Tim mạch thế giới, khoảng 90% bệnh nhân bị cao HA không tìm được nguyên nhân, gọi là cao HA nguyên phát (hay còn gọi là bệnh cao HA); 10% bệnh nhân cao HA là biến chứng do bệnh lý nội khoa khác, được gọi là bệnh cao HA thứ phát (tăng huyết áp triệu chứng). Đặc biệt, các nhà khoa học cũng đưa ra khuyến cáo trong bệnh lý cao HA không rõ nguyên nhân thì phần lớn có liên quan đến stress (lo lắng kéo dài, mất ngủ, căng thẳng hay do sang chấn tâm lý nào đó).

 

Số người bị cao HA đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt độ tuổi bị tăng HA đang có xu hướng trẻ hóa, đây là vấn đề y tế công cộng cần được quan tâm. Nhận thức rõ vấn đề này, Phân hội Tim mạch Việt Nam đã chọn “Tháng 5 - tháng đo HA”, để mọi người quan tâm đến chỉ số HA của mình, từ đó có biện pháp can thiệp thích hợp.

 

Người ta phân chỉ số HA như sau: HA tối ưu khi HA tối đa dưới 120mmHg và HA tối thiểu dưới 80mmHg; HA bình thường khi HA tối đa 120-129mmHg và/hoặc tối thiểu từ 80-84mmHg; tiền cao HA khi HA tối đa từ 130-139 và/hoặc HA tối thiểu từ 85-89mmHg; HA cao khi chỉ số HA tối đa từ 140mmHg và/hoặc HA tối thiểu từ 90mmHg trở lên. Cao HA được chia thành các độ như sau: Cao HA độ I khi HA tối đa 140-159mmHg và/hoặc HA tối thiểu 90-99mmHg; độ II khi HA tối đa 160-179mmHg và/hoặc HA tối thiểu 100-109mmHg; độ III khi HA tối đa 180mmHg trở lên và/hoặc HA tối thiểu trên 110mmHg.

 

Dựa vào chỉ số trên, mỗi người hãy đo HA của mình để biết bản thân có bị cao HA hay không, từ đó có biện pháp theo dõi, sinh hoạt, luyện tập hợp lý. Nếu đo HA thấy cao, bạn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị. Và bạn phải tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc.

 

Thành công trong điều trị cao HA tùy thuộc vào mức độ HA. Tuy nhiên, để khống chế tốt tình trạng cao HA cần phối hợp trị liệu trên cả ba lĩnh vực: sử dụng thuốc hợp lý (do thầy thuốc chỉ định), chế độ dinh dưỡng hợp lý và luyện tập phù hợp. Chế độ ăn phải đảm bảo cân đối giữa dinh dưỡng và khoáng chất, giảm lượng protide (thịt) nhưng phải đủ cho hoạt động của cơ thể, ở người trưởng thành nên ăn mỗi ngày 0,75g/kg trọng lượng cơ thể; giảm lượng lipide (mỡ) động vật, thay bằng mỡ có nguồn gốc thực vật, mỗi ngày nên ăn từ 0,5-1,2g/kg trọng lượng cơ thể tùy theo giới và mức độ lao động; nhu cầu glucide hàng ngày dựa vào mức tiêu hao năng lượng, trung bình mỗi gam glucide cung cấp khoảng 4Kcal, mỗi người mỗi ngày cần khoảng 2.100-3.000Kcal tùy theo giới và cường độ lao động. Dựa vào mức tiêu hao năng lượng hàng ngày để cân đối lượng glucide ăn hàng ngày, trên nguyên tắc 60% năng lượng tiêu hao nhờ vào glucide, 20-30% do protide và 10-15% là lipide. Ngoài ra cần ăn nhiều rau, hoa quả để cung cấp khoáng chất, vitamin và chất xơ, đặc biệt phải hạn chế ăn mặn, nên ăn dưới 6g muối/ngày...

 

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tùy theo lứa tuổi, mức độ cao HA cũng như sở thích của từng cá nhân, nên đi bộ mỗi ngày 45-60 phút, chơi những môn thể thao như bóng bàn, bơi lội và mức độ tập luyện phải phù hợp với tình trạng bệnh lý của từng người.

 

Có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, hạn chế các chất kích thích như cà phê, bia, rượu, thuốc lá, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, tránh căng thẳng, lo âu, phiền muộn. Mỗi người nên đi đo HA để biết HA của mình, từ đó quản lý được tình trạng HA của bản thân.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek