Khi các loài động vật ngày càng trở nên thân thiết với con người, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật càng cao. Tác nhân lây nhiễm từ động vật sang người có thể là vi rút, vi khuẩn, vi nấm, cũng có thể là ký sinh trùng mà người dân vẫn còn rất chủ quan.
PGS-TS Hoàng Vũ Hùng - Ảnh: YÊN LAN |
Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS Hoàng Vũ Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) về những mối nguy đối với sức khỏe con người từ ký sinh trùng nói chung, giun sán nói riêng.
* Thưa phó giáo sư, trong số hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, những bệnh nào là phổ biến và đáng lo ngại ở nước ta?
- Ở nước ta hiện có tới hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, đáng chú ý là bệnh do giun và sán. Bên cạnh đó, bệnh do các loại vi nấm cũng rất đáng kể.
Trong số các bệnh lây truyền từ động vật sang người, người ta thống kê hơn chục loại bệnh do giun và sán, thường gặp như giun đũa, giun lươn, giun tóc, giun kim, giun móc; các loại sán lá như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi, sán máng; các loại sán dây như sán dây lợn, sán dây bò… Đấy là các loại giun sán phổ biến gây bệnh cho người.
* Theo phó giáo sư, môi trường tự nhiên và yếu tố thời tiết tác động như thế nào đến các bệnh do ký sinh trùng?
- Bệnh do ký sinh trùng có mối liên quan rất mật thiết với yếu tố thiên nhiên, thời tiết, đặc biệt là yếu tố môi trường do con người tạo ra. Có những bệnh phụ thuộc vào thiên nhiên như sốt rét, lưu hành ở một số vùng nhất định. Có những bệnh liên quan nhiều đến yếu tố môi trường như bệnh sốt xuất huyết do vi rút dengue gây ra, thường xuất hiện ở những nơi có nhiều ao tù, nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi Aedes aegypti phát triển…
Các loài cá được nuôi như cá chép, cá diếc…, các loại rau như rau muống, rau ngổ… cũng có thể nhiễm ký sinh trùng. Nếu chúng ta không nấu chín trước khi ăn thì rất dễ nhiễm mầm bệnh và nó phát triển thành bệnh.
Người ta quan niệm rằng, ăn sống thì thực phẩm mới còn nguyên dưỡng chất. Quan niệm đó cũng không sai, nếu đó là thực phẩm sạch. Còn với những thực phẩm không sạch, nếu xử lý không tốt trước khi ăn thì rất dễ bị nhiễm mầm bệnh. Có những thói quen dễ làm cho người khỏe mạnh bị nhiễm mầm bệnh như thói quen ăn những món tái, chỉ nhúng qua, đặc biệt là thói quen ăn tiết canh.
* Làm thế nào thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống có nguy cơ nhiễm bệnh của người dân, thưa phó giáo sư?
- Đây là vấn đề lớn, cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội, chỉ riêng ngành Y tế thì không thể làm được. Để thay đổi thói quen đó, trước hết những người làm việc trong ngành Y tế phải tuyên truyền. Ngay từ khi bệnh nhân đến khám, họ không chỉ được khám, được chữa bệnh mà còn phải được tư vấn về cách phòng bệnh, chữa bệnh: dùng thuốc như thế nào, thay đổi môi trường sống ra sao, thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống như thế nào… Trước hết đó là công việc của ngành Y tế, tuy nhiên cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, vai trò của chính quyền cơ sở… Đặc biệt, vai trò của báo chí hết sức quan trọng, góp phần rất đắc lực trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng thực phẩm không đúng cách.
Chu trình phát triển của giun đũa Ascaris - Nguồn: INTERNET |
* Phó giáo sư có thể cho biết đâu là mấu chốt để điều trị có hiệu quả các bệnh do ký sinh trùng?
- Khi nghi mắc bệnh do ký sinh trùng, người dân nên đến cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn, xét nghiệm. Tại Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trang bị hệ thống thiết bị rất hiện đại, như dàn máy ELISA, phát hiện được ít nhất 10 mầm bệnh do ký sinh trùng thường gặp. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế như thế để biết mình bị nhiễm ký sinh trùng chưa, nhiễm loại nào. Sau đó, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn.
Bệnh do ký sinh trùng có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc điều trị đặc hiệu. Ví dụ, điều trị các bệnh do giun thì có các thuốc kinh điển như Mebendazol, Albendazol, đều sản xuất được ở trong nước; điều trị các bệnh do sán cũng đã có thuốc được sản xuất trong nước. Nếu nhiễm giun lươn, chúng ta cũng có thuốc, như Ivermectin. Việc sử dụng thuốc rất đơn giản. Ví dụ với Triclabendazol, chúng ta dùng với liều lượng 10mg/kg cân nặng và dùng một liều duy nhất. Nếu cần thiết, sau khi cho xét nghiệm lại, bác sĩ có thể bổ sung liều củng cố sau một tuần. Thế thôi. Người dân nên hiểu điều đó để có thể tiếp cận điều trị, đem lại sức khỏe cho mình, cho cộng đồng.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)