Tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới, rượu đã trở thành một sản phẩm đặc trưng. Nghe đến rượu vodka, nhiều người nghĩ ngay đến xứ sở bạch dương, nghe bordo là biết ngay của nước Pháp…; kiểu uống cũng đã trở thành nét riêng như uống rượu theo phong cách Pháp, uống rượu kiểu của người Nga... Nhưng đó là đối với loại rượu tốt, chất lượng đảm bảo an toàn và người uống làm chủ được bản thân, biết uống khi nào, uống bao nhiêu. Còn đối với những người uống một cách bừa bãi, thiếu chọn lọc, thiếu kiểm soát và không biết rượu nào là rượu an toàn, uống bao nhiêu là vừa thì rượu trở thành thảm họa.
Gần đây, tình trạng ngộ độc rượu đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt có những trường hợp tử vong do sử dụng rượu có chứa methanol và nhiều trường hợp bị tàn phế như mù lòa do sử dụng rượu có methanol. Đây là hồi chuông cảnh báo cho những người thường uống rượu, nhất là các “đệ tử của lưu linh”.
Ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, người dân sử dụng rượu khá phổ biến. Do người dùng nhiều nên nguồn cung cấp rượu cũng tăng lên, chủ yếu là người dân tự nấu rượu để bán. Sản xuất nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng hết sức khó khăn. Trong khi đó, người tiêu dùng lại ít quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng rượu mà chỉ thấy rẻ là mua. Đây chính là những nguy cơ rất cao dẫn đến ngộ độc rượu do rượu kém chất lượng, chưa được kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Loại rượu duy nhất để uống là rượu ethylic hoặc ethanol, được sản xuất theo quy trình riêng và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. Hầu hết trường hợp tử vong sau khi ngộ độc methanol là do tự tử hoặc sử dụng methanol làm đồ uống thay thế ethanol. Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù mắt, ngộ độc với liều 10g (30ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).
Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde, sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng cũng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn) và thể trạng của bệnh nhân. Thường có hai giai đoạn: giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên bệnh nhân chủ quan và bỏ qua. Về thần kinh, lúc nhập viện, bệnh nhân thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên. Bệnh nhân có biểu hiện bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm đi, có khi co giật sau đó hôn mê. Về mắt, lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (nhìn thấy ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, đường hầm...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt; các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu trong não, tụt não; nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu, huyết áp lúc đầu có thể bình thường cho đến khi tử vong.
Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên