Thứ Ba, 26/11/2024 02:51 SA
Sự “công phá” của bệnh lao
Thứ Hai, 27/03/2017 07:20 SA

Bác sĩ Hoàng Khắc Linh nói về bệnh lao phổi - Ảnh: YÊN LAN

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có gần 2 triệu người chết vì bệnh lao. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có đến 55 người chết vì lao. Đây là một trong ba bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới.

 

Trong năm 2016, Phú Yên phát hiện 850 người mắc bệnh lao. Số bệnh nhân lao đang được quản lý điều trị tại cộng đồng là 700 người, trong đó có 25 bệnh nhân lao kháng thuốc.

Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ Hoàng Khắc Linh, Trưởng trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên, về cách phát hiện, điều trị để thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

 

* Trước kia người ta vẫn nói: Lao là bệnh của người nghèo. Bây giờ thì sao, thưa bác sĩ?

 

- Bây giờ vẫn thế thôi, mắc bệnh lao đa phần là người nghèo - những người lao động cực nhọc, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo dẫn đến sức đề kháng kém. Nhà ở ẩm thấp, không thông thoáng thì người A rất dễ lây cho người B; nếu ở nơi thoáng khí, đầy đủ ánh sáng thì khả năng lây nhiễm rất thấp.

 

Mắc bệnh lao rồi thì người ta không thể làm việc như trước, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, đã nghèo lại càng nghèo hơn; càng nghèo thì càng dễ bị lao, luẩn quẩn như vậy.

 

Nỗi lo hiện nay là lao kháng thuốc. Các cơ sở y tế nếu có nghi ngờ lao kháng thuốc thì gửi mẫu về Trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên để xét nghiệm. Với thiết bị hiện đại, trạm phát hiện được lao kháng thuốc, chẩn đoán được rồi thì làm thủ tục cho bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khoảng 10 ngày, sau đó trạm tiếp tục theo dõi, cấp thuốc cho họ. Nhân viên y tế nhận thuốc, tiêm và cho bệnh nhân uống hàng ngày, tại trạm y tế. Phác đồ điều trị lao kháng thuốc là cán bộ y tế tiêm thuốc và cấp thuốc uống đúng 8 tháng. Sau giai đoạn điều trị tấn công trong 8 tháng thì điều trị 12 tháng duy trì. Rất vất vả. Và mạng lưới chống lao thực hiện đầy đủ hết. Trong quá trình đó, mỗi tháng bệnh nhân phải khám tại Trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên một lần, và chúng tôi mang mẫu ra Bình Định để họ nuôi cấy vi khuẩn, xét nghiệm.

 

* Đâu là những nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc?

 

- Có nhiều nguyên nhân: vi khuẩn đột biến gen, kháng thuốc; người bệnh tự mua thuốc, tự uống thuốc, uống không đều, không đúng hàm lượng thì sẽ dẫn đến kháng thuốc. Và người kháng thuốc lại lây vi khuẩn kháng thuốc cho người khác, rất nguy hiểm. Trường hợp cha mẹ kháng thuốc thì con, nếu bị lây, cũng sẽ kháng thuốc. Tại TP Tuy Hòa, đã có trường hợp cha mẹ đều chết vì lao kháng thuốc, rồi con của họ cũng kháng thuốc. Họ sẽ lây cho cộng đồng nếu không điều trị.

 

* Thuốc điều trị lao đã có từ rất lâu; người mắc bệnh lao được điều trị miễn phí theo Chương trình Chống lao quốc gia, vì sao đến nay vẫn có người chết vì lao, thưa bác sĩ?

 

- Bệnh lao, người ta nói là bệnh xã hội, mang dấu ấn rất lớn của xã hội. Quy trình điều trị lao là một quy trình nghiêm ngặt, kéo dài. Nhiều người bệnh tuân thủ tốt thì kết quả tốt, nhưng cũng có những người bệnh tuân thủ không tốt.

 

Nhiều người biết rằng bệnh lao chữa được và có chương trình điều trị, nhưng họ không dám đi khám và không chấp nhận thực tế là mình bị lao, cứ bảo mình viêm phế quản thế này thế kia và chữa lung tung, sẽ dẫn đến tử vong. Bệnh nhân lao hiện nay vẫn có tử vong, mặc dù thuốc điều trị tương đối đặc hiệu. Hiện nay, tỉ lệ điều trị khỏi của chúng tôi là 92%. Nếu bệnh nhân tuân thủ thì sẽ khỏi, còn nếu tuân thủ không tốt thì sẽ không khỏi bệnh. Hoặc có những bệnh nhân, khi đến khám thì phát hiện phổi đã hư hết rồi. Người ta không đi khám sớm để được phát hiện sớm, cứ nghĩ mình mắc bệnh này bệnh kia chứ không phải lao, hoặc biết mình bị lao nhưng không dám đi khám lao để được điều trị đúng cách. Sự kỳ thị rất lớn. Khi nào sự kỳ thị bị xóa bỏ thì mới thanh toán được bệnh lao.

 

* Nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thì sau bao lâu sẽ khỏi bệnh lao?

 

- Hiện nay, phác đồ điều trị 6 tháng và rất thuận tiện. Ngày trước phải điều trị trong 8 tháng, phải tiêm hàng ngày, phát thuốc uống hàng ngày, bây giờ thì cấp thuốc hàng tuần và bệnh nhân chỉ dùng thuốc uống thôi, trường hợp đặc biệt mới phải tiêm; hàng tháng cán bộ y tế xã, y tế huyện và Trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên kiểm tra, xem bệnh nhân uống thuốc như thế nào. Và theo phác đồ mới thì người bệnh được dùng các loại thuốc mạnh, tấn công trong suốt 6 tháng. Người bệnh nào tuân thủ tốt thì sẽ có kết quả.

 

* Theo bác sĩ, dinh dưỡng có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân lao?

 

- Dinh dưỡng cực kỳ quan trọng, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người ta lướt qua bệnh. Nhiều người, khi chụp phim thì thấy phổi có tổn thương, nhưng đó là tổn thương ổn định. Cơ thể họ đã tiêu diệt vi khuẩn lao, chỉ còn lại vết sẹo. Có những người phổi có vết sẹo nhưng không bị lao do cơ thể đã chống lại được vi khuẩn. Sức đề kháng rất quan trọng. Dinh dưỡng tốt thì cơ thể mới có sức đề kháng.

 

Chế độ ăn của người mắc bệnh lao phải thật giàu dinh dưỡng và không kiêng gì cả, trừ rượu, bia, thuốc lá.

 

* Đâu là nguồn lây chính và đâu là những dấu hiệu báo động rằng cơ thể mắc bệnh lao phổi?

 

- Bệnh lao phổi lây lan không thể kiểm soát được, người mắc lao lây cho những người chung quanh qua ho, khạc… Một lần ho, người mắc lao phát tán khoảng 10.000 vi khuẩn trong không khí, một lần hắt hơi phát tán khoảng 1 triệu vi khuẩn. Để phòng lây lan bệnh lao phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người bệnh, ví dụ như mang khẩu trang khi đến những nơi đông người. Người mắc lao sau một tháng điều trị đúng cách thì không còn là nguồn lây nhiễm.

 

Những nét cơ bản của bệnh lao phổi rất dễ nhận thấy: cơ thể mệt mỏi, làm việc uể oải, gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều, đặc biệt là ho khạc đàm trên hai tuần, giống như viêm phế quản, nhưng chữa bằng kháng sinh thông thường không khỏi thì nên nghĩ đến bệnh lao, đi chụp phim và làm xét nghiệm đàm. Các trung tâm y tế hiện nay đều có phòng khám chuyên về lao, rất thuận tiện cho người bệnh.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek