Người sáng lập ra nền y học hiện đại Hippocrates từng nói: “Thức ăn cho người bệnh phải là một phương tiện điều trị và trong phương tiện điều trị phải có chất dinh dưỡng”. Còn theo Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông, có thuốc mà không ăn uống thì cũng đi đến chỗ chết. Vậy vai trò dinh dưỡng trong điều trị như thế nào? Làm sao để thức ăn trở thành một phương tiện điều trị?
Bữa ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp người bệnh mau hồi phục - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Báo Phú Yên phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Đỗ Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm (Viện Dinh dưỡng) về mối quan tâm trên.
* Theo Phó Giáo sư, vì sao sự can thiệp dinh dưỡng trong bệnh viện luôn cần thiết?
- Người bệnh không như người bình thường; tình trạng bệnh tật ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa chất và làm tiêu hao chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý, yếu tố bệnh cũng làm ảnh hưởng đến việc cung cấp thức ăn. Điều cực kỳ quan trọng là việc cung cấp đấy ở trong bệnh viện.
Ở nhà, người bệnh được ăn những món ăn quen thuộc, nhưng khi đến bệnh viện thì khác. Nếu không có dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng, hoặc có nhưng chưa đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh sẽ không đủ so với nhu cầu của họ. Khi sự thiếu hụt dinh dưỡng xảy ra, người bệnh sẽ “tự ăn thịt mình”, tức là dùng tất cả những chất dinh dưỡng mà họ đã dự trữ được trong cơ thể và dẫn đến suy dinh dưỡng.
* Tình trạng này dẫn đến hệ quả gì, thưa Phó Giáo sư?
- Suy dinh dưỡng làm cho thời gian nằm viện kéo dài, nếu bệnh nhân có vết mổ thì nó không liền được. Tình trạng này còn dẫn đến nhiều biến chứng. Ví dụ như người bị tiểu đường, nếu không có chế độ dinh dưỡng tốt thì sẽ có nhiều biến chứng. Nói cách khác, nếu dinh dưỡng tốt thì những biến chứng đó sẽ được ngăn ngừa hoặc kéo dài thời gian xảy ra, giúp cho cuộc sống của người bệnh tốt hơn.
* Làm thế nào để thức ăn cho người bệnh trở thành một phương tiện điều trị?
- Không ít cán bộ y tế hiện nay vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng. Thế thì giải pháp đầu tiên là gì? Bộ Y tế đã có rất nhiều cố gắng đưa ra các thông tư và phải có thêm nhiều chính sách về dinh dưỡng để hỗ trợ; sau đó phải có chính sách của các địa phương: cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí là cấp nhỏ hơn. Các chính sách đấy sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống y tế mà họ điều phối. Đó là một trong những điều quan trọng.
Cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh qua ống thông tại một bệnh viện - Nguồn: Nanophama.vn |
Thứ hai là phải đào tạo. Viện Dinh dưỡng là nơi tiên phong trong vấn đề đào tạo cử nhân dinh dưỡng. Song thực tế là cử nhân dinh dưỡng lại tập trung ở hai đầu của đất nước, trong khi trường cao đẳng của các tỉnh thì đầy tiềm năng. Chúng tôi cho rằng sắp tới đây phải đào tạo hệ cao đẳng dinh dưỡng. Phú Yên có Trường cao đẳng Y tế, nếu đào tạo về dinh dưỡng thì chắc chắn sẽ có sự tác động với tỉnh trong việc tìm đầu ra cho các sinh viên này; tỉnh sử dụng được nhân lực tại chỗ. Và nếu đào tạo ở Phú Yên thì cũng có thể giúp cho các tỉnh lân cận về nguồn nhân lực dinh dưỡng. Đấy là một giải pháp. Bên cạnh đó cần có những khóa đào tạo ngắn hạn về dinh dưỡng, cập nhật những cách tiếp cận mới để đưa vấn đề dinh dưỡng trở thành giải pháp tốt cho người bệnh.
Thứ ba là tạo một môi trường thực hành tốt trong bệnh viện, cụ thể là lãnh đạo bệnh viện phải nhận thức về vấn đề dinh dưỡng, ủng hộ dinh dưỡng; đội ngũ bác sĩ điều trị trong bệnh viện phải hiểu về dinh dưỡng, ủng hộ dinh dưỡng và cùng tham gia hoạt động dinh dưỡng.
Đào tạo một cách bài bản về dinh dưỡng cũng phải có phương pháp, đó là cá thể hóa trong chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh. Ví dụ, không phải người bị tiểu đường vào bệnh viện là kê ngay chế độ ăn dành cho người tiểu đường, mà người già thì khác, người trẻ lại khác, người có học vấn cao khác, người có học vấn thấp khác, người ở nông thôn khác, người ở thành thị cũng khác… Vì vậy, phải cá thể hóa thì chăm sóc dinh dưỡng mới mang lại hiệu quả.
Trong dinh dưỡng có cụm từ “quy trình chăm sóc dinh dưỡng”, phải sàng lọc, đánh giá người bệnh, từ đó chẩn đoán dinh dưỡng rồi mới đưa ra lời khuyên, can thiệp bằng chế độ ăn, chứ không vào viện là kê ngay chế độ ăn. Bởi vậy phải đào tạo, có nhận thức, có môi trường hoạt động tốt trong bệnh viện, có người làm dinh dưỡng và từ đó hoạt động dinh dưỡng sẽ phát triển.
* Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)