Để thực hiện tốt kế hoạch quốc gia về phục hồi chức năng (PHCN), chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa và có nhiều việc phải làm, trong đó nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chuyên ngành PHCN”. BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế đã khẳng định tại hội thảo khoa học chuyên ngành PHCN lần thứ 3 năm 2016.
Gần 10 báo cáo khoa học đã được trình bày tại hội thảo vừa được Bệnh viện PHCN Phú Yên phối hợp với Hội Y học tỉnh tổ chức, trước những chuyên gia đến từ các bệnh viện PHCN Trung ương, Bạch Mai (Hà Nội), Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và đại diện các bệnh viện chuyên ngành ở Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk… Về việc PHCN cho bệnh nhân tai biến mạch máu não giai đoạn sớm, BSCKII Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - PHCN Bệnh viện Chợ Rẫy, nói: “Việc PHCN giai đoạn sớm là cực kỳ quan trọng, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho giai đoạn mãn tính, ngăn ngừa các biến chứng sau đột quỵ như viêm phổi, loét do đè ép và hạn chế tỉ lệ tử vong”. Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa lưu ý, PHCN giai đoạn sớm còn góp phần giúp bệnh nhân giảm trầm uất. Nếu cho bệnh nhân vận động sớm, ngồi sớm, đi lại sớm… thì sẽ cải thiện được tình trạng trầm uất. Tuy nhiên, PHCN sớm mà sai thì sẽ đưa đến rất nhiều hệ lụy.
Theo các chuyên gia y tế, tai biến mạch máu não là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra rối loạn nuốt có nguồn gốc thần kinh. Với “Đại cương về nuốt và rối loạn nuốt”, GS-TS Cao Minh Châu, Tổng Thư ký Hội PHCN Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra nhiều thông tin hữu ích, trong đó có những con số về rối loạn nuốt do đột quỵ, các yếu tố nguy cơ viêm phổi do hít sặc… Đồng thời, GS-TS Cao Minh Châu đưa ra các chiến thuật bù trừ để loại trừ triệu chứng rối loạn nuốt ngay lập tức và có thể dùng làm các biện pháp tạm thời để duy trì cho đường ăn miệng, kích thích vị giác, thay đổi khối lượng và tốc độ nuốt, thay đổi độ đậm đặc của thức ăn thức uống.
Để lại di chứng nặng nề không chỉ có tai biến mạch máu não, tổn thương tủy sống cũng là một nỗi ám ảnh. Theo TS-BS Cầm Bá Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện PHCN Trung ương, tổn thương tủy sống là thương tật nặng nhất và là một bệnh không chữa được. Tổn thương tủy sống có nhiều mức (cao hay thấp), độ (nặng hay nhẹ), kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp. Một trong những biến chứng nghiêm trọng của tổn thương tủy sống là loét do chèn ép, thường gặp ở những bệnh nhân liệt nặng, vận động kém, thời gian bị liệt lâu, dinh dưỡng kém, bi quan với bệnh tật của mình… Từ thực tiễn ở Bệnh viện PHCN Trung ương, TS Cầm Bá Thức trình bày báo cáo khoa học “Nghiên cứu tình trạng loét do đè ép ở bệnh nhân tổn thương tủy sống”, giúp các bác sĩ lâm sàng có ý thức cảnh giác và tiên liệu trong quá trình điều trị, chăm sóc và PHCN cho bệnh nhân.
Từ thực tiễn công việc và quá trình nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện PHCN Phú Yên, các thầy thuốc ở đây đã đóng góp vào hội thảo những báo cáo khoa học có giá trị. “Nghiên cứu sự thay đổi điện cơ trong chẩn đoán xác định chèn ép rễ dây thần kinh/thoái hóa cột sống thắt lưng, cột sống cổ” của BSCKI Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện, và bác sĩ Đặng Thị Huỳnh Trâm (Khoa Y - Dược học cổ truyền) cho thấy: Dựa vào kết quả sóng F, có thể phát hiện 100% số ca chèn ép rễ thần kinh, phát hiện nhanh và mức độ chính xác cao hơn so với chỉ chẩn đoán bằng lâm sàng; định khu được dây thần kinh bị tổn thương, phát hiện được rễ thần kinh nào bị chèn ép để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Báo cáo khoa học “Đánh giá tác dụng của nhóm kỹ thuật vật lý trị liệu trong điều trị bệnh khớp” của BSCKI Nguyễn Tấn Hiệp, Trưởng khoa Nội - Nhi, cho thấy tác dụng của nhóm kỹ thuật điện châm, hồng ngoại, kéo giãn, xoa bóp bấm huyệt trong điều trị bệnh thoái khớp đốt sống và đau thần kinh tọa. ThS-BS Trương Thị Xuân Thủy, Trưởng Khoa PHCN - Chỉnh hình - Sản xuất dụng cụ trợ giúp, có “Đánh giá tổn thương mạch máu não ở bệnh nhân hội chứng chuyển hóa bằng kỹ thuật Doppler xuyên sọ tại Bệnh viện PHCN Phú Yên”. Đây là một phương pháp thăm dò không xâm lấn, chi phí thấp, đánh giá chức năng của các động mạch chính trong não và sự tưới máu tổ chức tương ứng giúp phát hiện sớm sự biến đổi của chức năng mạch máu não trong giai đoạn tiền lâm sàng, đồng thời xác định mối liên quan của các biến đổi này với các biến chứng để có thể dự phòng, điều trị tốt hơn…
Theo BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, hội thảo khoa học chuyên ngành PHCN lần thứ 3 năm 2016 là cơ hội tốt để những người thầy thuốc cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị cũng như nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực PHCN, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
YÊN LAN