Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho vi rút Zika bùng phát, lan thành dịch. Báo Phú Yên phỏng vấn BSCKI Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên về việc tăng cường phòng chống dịch Zika trong mùa mưa lũ.
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng - Ảnh: TRẦN QUỚI |
* Mùa mưa là thời điểm muỗi hoạt động nhiều. Ông có thể cho biết môi trường này có làm tăng nguy cơ bùng phát dịch Zika?
- Chúng ta đã biết muỗi Aedes là trung gian truyền bệnh và lây lan vi rút Zika trong cộng đồng. Hiện nay là mùa mưa, nhiệt độ, độ ẩm cao, đặc biệt toàn tỉnh lại vừa trải qua một trận lũ lụt lớn, xuất hiện nhiều chỗ ao tù nước đọng. Môi trường này kết hợp với điều kiện vệ sinh không sạch sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi, đẻ trứng. Trong điều kiện này, vi rút và dịch bệnh dễ phát sinh. Điều đó làm tăng nguy cơ lây lan vi rút Zika trong cộng đồng.
* Sở Y tế đã có những hoạt động nào để khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh nguy cơ nhiễm vi rút Zika?
- Vào tháng 8 vừa qua, Phú Yên phát hiện 1 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại thôn Tân Hội, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Vào thời điểm phát hiện, địa phương này ghi nhận có một ổ dịch sốt xuất huyết. Các địa phương có nguy cơ sốt xuất huyết cao cũng tỉ lệ thuận với nguy cơ có thể nhiễm Zika cao. Cho tới thời điểm hiện tại, với gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất trên toàn tỉnh, nguy cơ muỗi hoành hành ở huyện Phú Hòa rất cao. Ngay trong tháng 11 này, Sở Y tế phối hợp với UBND huyện Phú Hòa tổ chức phát động chiến dịch toàn dân diệt bọ gậy. Các địa phương: Tây Hòa, Sơn Hòa và TX Sông Cầu cũng có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế cũng sẽ phối hợp truyền thông ở các địa phương có nguy cơ cao, đẩy mạnh chiến dịch này.
Mặc dù đây là việc làm thiết thực nhất để phòng tránh lây lan vi rút Zika nhưng qua các đợt kiểm tra, giám sát của Sở Y tế cho thấy, người dân còn thiếu ý thức trong việc chủ động dọn dẹp những khu vực ao tù nước đọng và những vật dụng chứa nước thường xuyên. Công tác truyền thông nâng cao ý thức diệt muỗi, bọ gậy và các biện pháp phòng chống muỗi cắn (sử dụng thuốc thoa chống muỗi, mặc quần áo dài, đủ dày, ngủ trong mùng…) trong nhân dân là nội dung chính truyền thông phòng chống lây lan vi rút Zika.
Phun thuốc diệt muỗi tại phường 5 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: PV |
* Thưa bác sĩ, được biết trường hợp nhiễm vi rút Zika ở Phú Yên không phải nhiễm từ vùng dịch mà từ trong cộng đồng. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
- Trường hợp bị nhiễm Zika ở Phú Yên không phải lây nhiễm khi bệnh nhân di chuyển từ vùng dịch trở về mà lây nhiễm ngay trong khu vực sống của bệnh nhân, tại địa phương. Điều đó chứng tỏ tại Phú Yên, muỗi Aedes trung gian lây truyền vi rút Zika hầu như có mặt mọi nơi. Như vậy, trước nguy cơ tiềm ẩn về vi rút Zika thì không chỉ ngành Y tế mà người dân cũng phải nâng cao ý thức phòng chống dịch, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện ổ dịch, kể cả ổ dịch sốt xuất huyết.
Thanh niên TP Tuy Hòa dọn dẹp trong một chiến dịch làm sạch môi trường - Ảnh: TRUNG HIẾU |
* Bác sĩ có khuyến cáo nào dành cho người dân, đặc biệt là những bà mẹ mang thai, nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiễm vi rút Zika?
- Người nhiễm vi rút Zika có biểu hiện rất lành tính với những cơn sốt nhẹ, nổi ban, đỏ mắt và mệt mỏi xương cốt. Có đến 80% người nhiễm vi rút không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika là một mối đe dọa vì nó có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Zika có thể gây ra dị tật đầu nhỏ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác của thai nhi.
Mới đây, tỉnh giáp giới với Phú Yên là Đắk Lắk đã phát hiện trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ 4 tháng tuổi do mẹ mang thai bị nhiễm vi rút Zika vào tháng 10 vừa qua. Vì vậy, thai phụ nghi ngờ mắc Zika hay thai phụ không có triệu chứng nhưng nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi Zika nên siêu âm để phát hiện dị tật này. Thời điểm siêu âm để phát hiện dị tật đầu nhỏ là khi thai nhi được 12, 22 và 32 tuần tuổi. Phụ nữ không nên đến các địa phương đang xảy ra dịch bệnh Zika. Cụ thể là TP Hồ Chí Minh đang có dịch bệnh này. Hiện nay, vi rút Zika chưa có thuốc chủng ngừa hoặc đặc trị. Xin lưu ý thêm, khi nghi ngờ bị nhiễm vi rút Zika, người dân có thể đến các cơ sở y tế, từ trạm y tế xã đến bệnh viện tuyến tỉnh, để được tư vấn và điều trị.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
DIỆU ANH (thực hiện)