Thứ Ba, 26/11/2024 09:22 SA
Để dinh dưỡng trở thành một phương tiện điều trị
Thứ Sáu, 18/11/2016 13:00 CH

Nhiều vấn đề quan trọng đã được “xới” lên tại hội thảo Nâng cao năng lực hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Y tế phối hợp với dự án Phát triển hệ thống dinh dưỡng Việt Nam vừa tổ chức tại Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, dưới sự tài trợ của Viện Dinh dưỡng quốc gia và Tập đoàn Ajinomoto.

 

Công tác dinh dưỡng, tiết chế: Có nơi còn bỏ ngỏ

 

Chế biến thức ăn - Ảnh: MINH NGUYỆT

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định: “Thời gian vừa qua, mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế đến công tác tiết chế dinh dưỡng cho người bệnh nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Ai cũng ý thức được về vấn đề ăn uống, vấn đề dinh dưỡng là cơ sở để phòng bệnh và chữa bệnh. Rất nhiều bệnh lý gây ra do chế độ dinh dưỡng, do cách ăn uống chưa đúng, chưa hợp lý; có những bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, tim mạch… có thể phòng tránh được qua ăn uống. Và khi bị bệnh thì chúng ta phải thực hiện chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao như thế nào cho phù hợp…”.

 

Cách đây 5 năm, ngày 26/1/2011, Bộ Y tế có Thông tư 08/2011/TT-BYT “Hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện” và yêu cầu các bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng, nhưng việc thực hiện chưa thật nghiêm túc. “Chế độ dinh dưỡng của mỗi người bệnh mỗi khác, mỗi bệnh nhân có một chế độ ăn riêng, nhưng nhìn lại ở các bệnh viện, kể cả những bệnh viện đa khoa đặc biệt, cũng chưa bài bản. Công tác truyền thông giáo dục về vấn đề này được tiến hành chưa đến nơi đến chốn, hiệu quả chưa cao”, GS-TS Nguyễn Viết Tiến nhìn nhận.

 

Nhằm tăng cường công tác quản lý, chuyên môn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, cuối năm 2013, Bộ trưởng Y tế đã ban hành kèm theo Quyết định 4858/QĐ-BYT “Về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện”. Bộ tiêu chí gồm 83 tiêu chí, trong đó có mục “Năng lực thực hiện chăm sóc dinh dưỡng và tiết chế”. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát của cục cho thấy phần lớn các bệnh viện trong cả nước không đạt 5 tiêu chí hoạt động dinh dưỡng. Do thiếu cán bộ được đào tạo về dinh dưỡng, 78,6% bệnh viện chỉ đạt mức 1 và mức 2, nghĩa là chưa đạt mức tối thiểu theo yêu cầu của Thông tư 08/2011/TT-BYT về thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện; 61,3% bệnh viện chưa đảm bảo cơ sở vật chất; 74% bệnh viện chưa cung cấp được chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý của người bệnh…

 

PGS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khái quát tình trạng dinh dưỡng của người bệnh trong bệnh viện và đưa ra con số khảo sát của viện: Khoảng 50% bệnh nhân đã có biểu hiện suy dinh dưỡng (SDD) ngay khi nhập viện nhưng chỉ 12,5% bệnh nhân được phát hiện SDD. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), khoảng 40% bệnh nhân SDD khi nhập viện, trong số đó có tới 40% bị SDD nặng. PGS-TS Lê Danh Tuyên chỉ ra: SDD liên quan tới các biến chứng phẫu thuật, kéo dài thời gian nằm viện, làm tăng chi phí chăm sóc, tăng nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

 

Cần đào tạo chuyên gia dinh dưỡng trong bệnh viện

 

BSCKII Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị, hỗ trợ điều trị và dự phòng, đặc biệt là đối với các bệnh lý đặc thù. Theo ông, do thiếu sự quan tâm từ các cấp, thiếu cơ sở đào tạo nhân lực nên dinh dưỡng lâm sàng chưa trở thành phương tiện điều trị.

 

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên nêu các giải pháp cải thiện hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện là có cán bộ được đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng tiết chế; xây dựng các mẫu biểu liên quan tới sàng lọc, đánh giá dinh dưỡng; xây dựng kế hoạch can thiệp dinh dưỡng; xây dựng nhóm hỗ trợ dinh dưỡng và thực hiện chuẩn dinh dưỡng; xây dựng đơn vị chế biến thức ăn tiêu chuẩn, thực hiện các can thiệp dinh dưỡng bằng cách thay đổi khẩu phần, tư vấn dinh dưỡng, nâng cao hoạt động của nhóm hỗ trợ dinh dưỡng…

 

GS Yasuhiro Kido, Giám đốc đào tạo và nghiên cứu khoa học - Hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã chia sẻ một số kinh nghiệm của người Nhật trong việc giải quyết những vấn đề về dinh dưỡng để có được tuổi thọ cao như hiện nay. “Đào tạo chuyên gia dinh dưỡng vàgiáo dục dinh dưỡng cho toàn dân là giải pháp quan trọng”, GS Yasuhiro Kido nói.

 

Đồng quan điểm đó, PGS-TS Lương Ngọc Khuê khuyến nghị Bộ Y tế mở các lớp đào tạo chính quy tại các trường đại học, cao đẳng để đào tạo cán bộ dinh dưỡng, trước mắt là mở các lớp tập huấn ngắn ngày tại các sở y tế để các bệnh viện cử cán bộ đi đào tạo. Ông cũng lưu ý lãnh đạo các bệnh viện cần căn cứ vào Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện để đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực chuyên ngành dinh dưỡng của bệnh viện.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek