Hỏi: Tôi năm nay 65 tuổi, bị suy van tĩnh mạch. Cách đây 2 năm, tôi đã khám và điều trị tại TP Hồ Chí Minh, bệnh có đỡ nhưng không hết hẳn, hiện vẫn uống thuốc, mỗi ngày đi bộ khoảng 1 giờ. Bệnh có nguy hiểm gì không, có cách nào điều trị tiệt căn? Đi bộ nhiều có làm bệnh nặng thêm không?
Nguyễn Thị Lợi
(xã Hòa An, huyện Phú Hòa)
Trả lời: Suy van tĩnh mạch (TM) gây ứ trệ tuần hoàn trong lòng TM làm thành TM yếu và giãn ra. TM là hệ thống mạch dẫn máu từ các cơ quan, bộ phận cơ thể về tim bao gồm các TM sâu, TM nông và TM xuyên (nối TM nông và sâu). Triệu chứng thường tăng dần, bắt đầu là tê chân, cảm giác bồn chồn; nặng hơn là: phù chân khi đi hay đứng nhiều, chuột rút về đêm, đau chân và cuối cùng là TM nổi thành từng búi hay giãn toàn bộ trông như những con giun trên bắp chân và đùi. Có 6 cấp độ suy giãn TM: Cảm giác nặng chân, tê chân; phù chân khi đi lại hay đứng nhiều; giãn và nổi TM ngoằn ngoèo trên bắp chân và đùi; giãn TM và có thay đổi sắc tố da làm da chân sạm màu; giãn TM và có những vết loét dinh dưỡng ở chân; các vết loét dinh dưỡng này điều trị mãi vẫn không lành.
TM giãn, có thể viêm, tạo thuận lợi cho việc hình thành cục máu đông trong lòng TM. Cục máu đông sẽ theo TM chạy về tim và gây tắc động mạch phổi tạo nên tình trạng đột tử. Các bệnh cảnh kèm theo khác như đái tháo đường, tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, nên không có điều trị tiệt căn. Điều trị bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa tùy mức độ:
Nội khoa: băng ép, dùng băng đặc biệt tạo một áp lực lên bề mặt da ở chân. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi và cho kết quả khá tốt. Về thuốc có nhiều loại khác nhau với các cơ chế khác nhau như tăng sức bền thành mạch, giảm tính thấm, chống viêm, dưỡng mạch, cải thiện huyết động.
Ngoại khoa: gây xơ TM bằng cách tiêm một hóa chất vào TM. Phẫu thuật bóc tuốt TM hoặc cắt bỏ TM nông bị giãn. Phương pháp tiên tiến hiện nay là laser TM: sử dụng tia laser biến thành nhiệt năng, truyền qua một dây dẫn được đưa vào lòng TM bị giãn. Sức nóng sẽ làm co nhỏ, xơ hóa TM giãn; thời gian điều trị và phục hồi nhanh, ít biến chứng. Thực hiện với giãn TM nông, cấp độ II trởlên.
Việc đi bộ của bác như vậy là vừa phải, không làm nặng thêm bệnh TM, có lợi chung cho sức khỏe, nên duy trì.
BS ĐOÀN VĂN HẢI