Khi thời tiết thay đổi, nhất là từ mùa hè chuyển sang mùa thu và mùa đông, một số bệnh lý xảy ra nhiều hơn so với các mùa khác. Ở những người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì cơ thể “thích nghi” hay chịu đựng được, ngược lại ở những người già, trẻ em, nhất là những người ốm yếu thì sự thích nghi hết sức khó khăn. Để phòng, chống các bệnh lý hay gặp trong mùa thu, đông, mọi người và cộng đồng dân cư cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
Nâng cao sức đề kháng
Bệnh chỉ xảy ra khi tác nhân gây bệnh thắng được sức chống đỡ của cơ thể. Sức chống đỡ của cơ thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, có đời sống tâm lý thoải mái, kích thích cơ thể tạo miễn dịch một cách chủ động... Từ những hiểu biết này, mỗi người hãy chú ý chế độ dinh dưỡng, vào mùa thu, đông cần tăng lượng chất dinh dưỡng cho cơ thể (vì cơ thể phải tăng cường chuyển hóa để điều nhiệt). Ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, trong đó có 7 giờ ngủ ban đêm và một giờ ngủ ban ngày.
Có các biện pháp phòng, chống sự tấn công của tác nhân gây bệnh
Mùa thu, đông độ ẩm thường cao, nhiệt độ thấp, kèm theo gió mùa, chính những yếu tố này làm gia tăng các bệnh lý về hô hấp, tim mạch… Do đó, mọi người cần phải giữ ấm vùng hầu họng bằng cách mặc ấm, kín, chống gió, nhất là không để gió thổi trực tiếp vào vùng mũi, họng, ngực. Khi đi ra ngoài cần mặc ấm, kín. Không nên đi ra ngoài khi trời đang mưa hoặc gió nhiều, đối với những người bị các bệnh mãn tính về đường hô hấp như hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, bệnh về tim càng phải thận trọng hơn.
Vệ sinh môi trường sống
Vào mùa thu, đông, một số tác nhân gây bệnh và trung gian truyền bệnh phát triển mạnh nên nơi ở phải hết sức thông thoáng, tránh gió lùa; nhà cửa, môi trường xung quanh phải sạch sẽ. Đổ bỏ các dụng cụ chứa nước tránh muỗi đẻ trứng và sinh sôi nảy nở. Ở những vùng nông thôn phải phát quang bụi rậm, lấp các ao tù nước đọng để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng.
Bảo vệ nguồn nước sinh hoạt
Vào mùa mưa, các nguồn nước thường bị ô nhiễm, vì vậy bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cóvai trò vô cùng quan trọng trong phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nói riêng. Ở những nơi sử dụng nước bề mặt phải xử lý nước làm trong, đánh phèn, cho Clorame B vào để khử trùng nước nếu nước bị ô nhiễm. Đối với những nơi sử dụng giếng khơi thì phải rửa (đảo) thau giếng nếu giếng bị ngập, đánh phèn, khử trùng nước; các dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy tránh chuột, gián xâm nhập cũng như muỗi đẻ trứng...
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên