Có ăn thường có chịu. Bằng chứng là theo Tổ chức Y tế thế giới, 70% bệnh chứng nghiêm trọng liên quan mật thiết với chuyện cố nuốt nhưng không trôi!
Kẹt chính là ở chỗ nhiều khi không ăn mà vẫn chịu, như ở người kiêng cữ trật chìa, hay oái oăm hơn nữa, ở người vì ăn không đúng điệu nên phải nuôi thêm... thầy thuốc!
Không thể bỏ bữa ăn sáng
Rất đông bạn trẻ có thói quen bỏ qua bữa điểm tâm vì không thấy đói. Nghe qua tưởng đúng vì không đói làm sao ăn! Sai, vì đa số bỏ ăn không bởi no ngang mà thường do áp lực thời gian, chẳng hạn vì dậy trễ quá cận giờ làm việc, giờ đưa con đi học.
Nếu theo đúng nhịp sinh học, phải đói khi thức dậy do tiến trình biến dưỡng đã được tiến hành trọn vẹn trong giấc ngủ. Người thức dậy nhờ đó háo hức mỗi sáng, như muốn ôm trọn cuộc đời vào lòng.
Chính vì thế, bữa ăn sáng được đặt tên hoa mỹ là “điểm tâm”! Trong mọi trường hợp, không thấy đói buổi sáng sớm là triệu chứng cho thấy nhịp sinh học đã trục trặc ở khâu nào đó. Thỉnh thoảng thì không sao vì cuộc đời khó tránh cảnh “nắng sớm mưa chiều”, nhưng nếu dấu hiệu đó kéo dài thì không có giải pháp nào khéo hơn là sớm tìm đến thầy thuốc để truy cho ra nguyên nhân.
Nhịn đói buổi sáng đã sai, tệ hơn nữa là chỉ uống cà phê mà không ăn. Mới uống đúng là tỉnh người, nhưng không đầy hai giờ sau đó lượng đường trong máu tụt xuống bất ngờ. Người chỉ có chút cà phê lót dạ khó đua đường dài cho đến giờ cao điểm của buổi sáng.
Trái lại, bữa điểm tâm với đủ thời giờ thưởng thức là yếu tố quyết định cho hiệu năng suốt ngày. Chưa hết, nên chọn món có nước như phở, hủ tiếu, cháo, bánh canh... theo nhận xét khách quan của chuyên gia ngành dinh dưỡng ở Pháp sau khi so sánh thói quen ăn sáng của nhiều chủng tộc. Món ăn có nước không chỉ giúp trung hòa lượng chất chua còn đọng trong bao tử, còn là đòn bẩy giúp món ăn được tiêu hóa tối đa.
Nghĩ rằng ăn sáng rồi bớt ăn trưa là sai
Nhiều người, thường vì thuộc tuổi con... rít, quan niệm không cần ăn trưa vì đã ăn sáng cách đó mấy tiếng đồng hồ. Hơn nữa, ăn nhiều sợ sau đó nặng bụng buồn ngủ. Sai! Cơ thể rất cần bữa ăn trưa với đầy đủ dưỡng chất vì nhiều lý do:
* Gia chủ đã dùng hết sạch bữa điểm tâm nếu bạn thật sự làm việc trong vòng hai giờ đồng hồ. Đúng là không cần ăn trưa lúc 12 giờ nếu vừa ăn sáng lúc 10 giờ 30, hay nếu chỉ ngồi không tán gẫu suốt buổi sáng!
* Lá gan hoạt động tối đa vào giữa trưa. Dạ dày cũng tiết nhiều chất chua khoảng đúng ngọ. Thiếu bữa ăn trưa chỉ có hại.
Do đó, nên có bữa ăn trưa đàng hoàng bằng cách:
* Thu xếp thời biểu làm việc để có bữa ăn với vận tốc chậm rãi, thoải mái. Dừng việc vừa ăn vừa quẹt máy tính bảng, điện thoại.
* Uống nhiều nước trong và sau bữa ăn.
* Có món tráng miệng với các loại trái cây chứa men tiêu hóa như đu đủ, thơm, dưa hấu... để chống tình trạng nặng bụng rồi nặng luôn mi mắt sau bữa ăn.
* Có giờ ngủ trưa, dù chỉ 15 phút sau bữa ăn, sau khi đã vận động ít phút. Nếu từ bàn ăn về thẳng giường ngủ thì cũng nên đi... bộ!
Những lưu ý cho bữa ăn chiều
Bữa ăn chiều đương nhiên tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ giờ tan sở cho đến thời gian nấu nướng. Không có lý do gì phải hấp tấp với bữa ăn chiều vì bữa ăn này nên cách bữa trưa không dưới sáu tiếng đồng hồ. Đừng lo nếu bụng quá đói khi lên bàn ăn.
Ngược lại là khác, không nên vì tinh thần kỷ luật mà dọn bàn đúng giờ dù chưa đói. Lượng đường trong máu càng thấp, bữa ăn chiều càng có ích. Bên cạnh đó, đừng tưởng cần nhiều thịt cá sau một ngày làm việc.
Bữa cơm chiều nếu quá nhiều chất đạm, chất béo động vật sau 19 giờ chính là một trong các lý do gây trì trệ chức năng biến dưỡng vì hoạt động của lá gan giảm thiểu từ thời điểm này cho đến sáng.
Bữa ăn chiều với rau quả chiếm tối thiểu 50% tổng lượng của khẩu phần không chỉ thuận lợi cho chức năng tiêu hóa nhờ chất xơ. Bữa ăn như thế tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động len lén của hệ miễn nhiễm khi gia chủ say giấc nồng.
Người ăn nhiều bữa nên biết
Một bữa ăn cung cấp dưỡng chất và năng lượng theo đúng yêu cầu của cơ thể khi bữa ăn được chuyển hóa trọn vẹn. Nên ăn ngày đúng ba bữa, hay nên chia thành nhiều bữa nhỏ tùy theo khả năng tiêu hóa và nhu cầu năng lượng cá biệt.
Người vì bệnh nên cần giảm áp lực trên đường tiêu hóa, như người bị viêm loét dạ dày, viêm gan mãn... nên có nhiều bữa nhỏ.
Người cần được cung ứng năng lượng mỗi lần không nhiều nhưng đều đặn như người làm việc thêm giờ, người trực đêm thì ngày ba bữa thường không đủ để chống bệnh. Trong mọi trường hợp, bữa ăn cuối trong ngày phải cách khoảng hai giờ trước khi đi ngủ.
Không ăn vặt, đời còn gì vui
Nhiều người nghĩ thế. Vấn đề chỉ là số lượng và tần số. Một câu hỏi khó trả lời dứt khoát vì tùy vào động cơ của người cứ vài giờ lại thòm thèm! Ăn vặt tốt nếu cần tiếp hơi đúng lúc cho cơ thể, như ở người phải chống chọi với stress.
Ăn vặt, ngược lại, là thói quen xấu nếu không có nhu cầu dinh dưỡng, vì trục tiêu hóa, đặc biệt là tụy tạng với chức năng điều chỉnh lượng đường trong máu. Phải ăn để sống. Nhưng quan trọng là ăn cho đúng cách để có sức khỏe tốt nhất.
Theo TTO