Với sự tiện lợi, giá cả phải chăng, tiết kiệm được thời gian nhưng không kém phần đa dạng và hấp dẫn, thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến và là một phần thiết yếu trong đời sống của người dân đô thị. Tuy nhiên, làm thế nào để thức ăn đường phố không còn gắn với nỗi lo mất vệ sinh, an toàn?
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì được điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: TUYẾT HƯƠNG |
LỢI BẤT CẬP HẠI
Thời gian qua, ngành Y tế TP Tuy Hòa đã cùng các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền về giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc buôn bán thức ăn đường phố. Đa số người kinh doanh mặt hàng này đều biết rằng việc buôn bán ngoài đường rất dễ mất vệ sinh do khói bụi, thời tiết. Từ đó, họ cố gắng giữ vệ sinh trong quá trình chế biến như rửa rau, rửa thịt cho sạch và đặc biệt là sử dụng găng tay để lấy thức ăn. Ngoài ra, thức ăn và tô, đũa cũng được che đậy thật kỹ để tránh khói bụi, ruồi, bọ… |
Từ lâu, thức ăn đường phố là một phần thiết yếu trong đời sống của người dân đô thị, đặc biệt là tại các thành phố có nhịp độ kinh tế phát triển và ở những nơi tập trung đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, địa điểm tham quan, du lịch... Theo số liệu điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, tại thành phố này có tới 95,5% người dân đang sử dụng thức ăn đường phố, trong đó 51% dùng làm bữa ăn hàng ngày, 82% dùng làm bữa ăn sáng. Còn theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP Tuy Hòa có đến 1.084 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc xã, phường quản lý. Cũng như nhiều nơi khác, tại TP Tuy Hòa, thức ăn đường phố có mặt khắp nơi, từ những quán ăn tạm thời trên vỉa hè, bên đường đến những “gian hàng” di động như xe đẩy, gánh hàng rong…, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. Làm việc tại TP Tuy Hòa, nhà xa, không có thời gian để về nhà vào buổi trưa, nhiều người thường xuyên ăn cơm “bụi” và nghỉ tại chỗ làm. Biết cơm “bụi” không đủ dinh dưỡng, còn vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì không đảm bảo nhưng được cái thuận tiện, tiết kiệm thời gian nên nhiều người vẫn ăn.
Nhưng lợi bất cập hại, bên cạnh sự thuận tiện này là những mối nguy hại tới sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở mọi lứa tuổi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng, thậm chí là cả cộng đồng. Bởi, đa số người kinh doanh thức ăn đường phố thường sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia thực phẩm bừa bãi, không được phép, điều kiện vệ sinh trong quá trình chế biến kém. Đồng thời, việc chế biến, bày bán thiếu hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường về nguồn cung cấp nước sạch. Vấn đề xử lý rác thải, chất thải... cũng rất đáng bàn, trong khi hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố cũng khó kiểm soát do sự đa dạng, cơ động, tạm thời.
Trong thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là phòng ngừa ngộ độc do thức ăn đường phố gây ra, đã thu hút sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đông đảo người dân. Công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức, hành vi trong quá trình lựa chọn, chế biến, kinh doanh thực phẩm của những chủ quán, chủ tiệm. Họ ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc kinh doanh buôn bán.
CẦN SỰ PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ
Từ năm 2013 đến nay, TP Tuy Hòa xảy ra hai vụ ăn bánh mì gây ngộ độc thực phẩm, mỗi vụ có trên 20 người mắc. Nguyên nhân chủ yếu là một vài người buôn bán không ký cam kết với chính quyền phường, xã thông qua trạm y tế, chưa quan tâm và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, chưa giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến; lựa chọn thịt, chả, trứng… rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn để chế biến.
Trước tình hình mất an toàn thực phẩm do thức ăn đường phố trên địa bàn TP Tuy Hòa trong thời gian qua, cán bộ chuyên trách về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm từ thành phố đến phường, xã cần tăng cường hơn nữa trong việc tuyên truyền với mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều hình thức, đồng thời mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra, thống kê một cách đầy đủ các cơ sở thức ăn đường phố cố định, lưu động để thuận lợi trong công tác quản lý; thường xuyên triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố ở các địa điểm tại 16 phường, xã và giải quyết các vấn đề tồn đọng. Những người kinh doanh thức ăn đường phố nói chung, bánh mì nói riêng cần chú ý, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để chế biến và phải ký cam kết với chính quyền địa phương phường, xã thông qua trạm y tế. Có như vậy thì mới duy trì việc buôn bán và đảm bảo sức khỏe cho người mua, vì nếu mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì không chỉ ảnh hưởng đến việc buôn bán mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đôi khi cả tính mạng của người sử dụng.
Thức ăn đường phố và các gánh hàng rong là nét văn hóa ẩm thực riêng của cộng đồng người Việt, phản ánh lối sống và sự phát triển xã hội ở Việt Nam. Sử dụng thức ăn đường phố là thói quen của nhiều người Việt Nam và loại hình dịch vụ thức ăn đường phố là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và mỹ quan đô thị nếu không được kiểm soát tốt. Chính vì thế, để thức ăn đường phố được an toàn, hợp vệ sinh và loại hình kinh doanh này không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, trong đó y tế là lực lượng nòng cốt. Việc tham mưu, chỉ đạo triển khai hoạt động này không chỉ trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm mà cần phải được quan tâm thực hiện xuyên suốt.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa