Dưỡng sinh tâm thể (DSTT) là một trong rất nhiều phương pháp dưỡng sinh cổ truyền giúp phòng bệnh và chữa bệnh.
DỄ TẬP, HIỆU QUẢ
Theo quan sát, nghiên cứu và cả thực nghiệm của Viện DSTT Trung ương, DSTT là một phương pháp dưỡng sinh cổ truyền của phương Đông và của dân tộc ta mà cố Trưởng môn Tôn Nữ Hoàng Hương, còn gọi là má Hai Hương, đã tiếp thu được và truyền lại cho cộng đồng. So với các phương pháp dưỡng sinh khác thì DSTT tập dễ, nhẹ nhàng, không tốn sức, không phải lý luận dài dòng, triết lý cao siêu, ngồi thiền gò bó, hay động tác khó khăn phải nhớ nhiều học lắm. Chỉ cần mỗi ngày từ 10-20 phút trong bầu không khí trong lành của đất trời, bạn thanh thản hít thở, tự chăm sóc lấy tâm thân của mình. Đây là năng lượng của bạn và bạn có thể truyền nó cho người thân bạn bè… rồi bạn sẽ nhận lại năng lượng tình thương của họ trao gửi lại.
Nhiều người mắc những chứng bệnh khó chữa, từ bệnh vảy nến, dị ứng, rối loạn tiền đình, động kinh, đau thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, đau đầu mất ngủ… đến bại liệt, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, câm điếc, bướu cổ… đã từng điều trị ở nhiều bệnh viện đông - tây y đều không có hiệu quả hoặc ít có hiệu quả. Vậy mà chỉ sau một thời gian tập DSTT, người bệnh đã thấy có kết quả rõ rệt; trên 50% thuyên giảm từ một nửa tới khỏi hẳn, khoảng 90% sức khỏe được phục hồi.
Thực tế, hơn 20 năm qua, phương pháp tập luyện tiếp nhận năng lượng đẩy lùi bệnh tật (thuộc lĩnh vực y học bổ sung) này đã ít nhiều hỗ trợ cho y học hiện đại. Có thể gọi phương pháp DSTT là sự kết hợp giữa thở đều và nhanh: hít vào thở ra bằng miệng. Đầu lưỡi tiếp xúc với vòm họng, cong lên và duỗi ra theo hơi thở gấp… Người tập vừa xoa hai bàn tay vừa vẫy vẫy, bước đi uyển chuyển, sau đó vỗ hoặc xoa lên vùng có bệnh trên cơ thể. Người bệnh tự tập là chính, sau đó được các hướng dẫn viên tác động, hỗ trợ thêm. Cuối cùng bệnh nhân uống cốc nước đã được truyền năng lượng. Điểm mấu chốt của DSTT là “cái tâm”, là sự tự tin vào tiềm lực của năng lượng bản thân, cùng với sự hướng thiện, yêu người, yêu đời. Tất cả tâm truyền tâm, tạo nên một cộng hưởng năng lượng khổng lồ giúp đẩy lùi hoặc ngăn chặn nhiều bệnh tật trong thời gian ngắn.
Huấn luyện viên Đỗ Ngọc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hướng dẫn ứng dụng luyện tập DSTT tỉnh, trực tiếp tác động năng lượng cho bệnh nhân - Ảnh: V.HOÀNG |
XÃ HỘI HÓA CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Tập luyện theo phương pháp DSTT là cách để thu hút được những nguồn năng lượng tích cực và đẩy lùi những năng lượng tiêu cực gây ra bệnh tật. Bởi theo nghiên cứu của y khoa, rất nhiều chứng bệnh thuộc về thể chất lại có cội nguồn từ tinh thần. Ví dụ, khi giận dữ, căng thẳng..., các cơ bắp của chúng ta căng lên, tim của chúng ta đập dồn dập, tạo nên những điểm bị áp lực, đó chính là nguyên nhân để dẫn tới đau đầu, mỏi vai... Trái lại, khi chúng ta có những suy nghĩ tích cực, bình an, cơ thể chúng ta được thư giãn, oxy được nạp đủ cho máu, cơ thể sẽ khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm.
Đại tá, nhạc sĩ, TS Doãn Nho, Viện trưởng Viện Nghiên cứu DSTT Việt Nam, cho rằng: Nếu tính mỗi ca bệnh vào bệnh viện phải mất khoảng 1 triệu đồng, thì hơn 20 năm qua, khoảng 550.000 ca với phương pháp DSTT đã tiết kiệm cho Nhà nước một con số không nhỏ, nhất là trong tình trạng chúng ta còn nghèo và bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải như hiện nay. Nhờ đứng vững trên cả hai phương diện: Khoa học thực nghiệm và khoa học lý thuyết nên phong trào luyện tập DSTT dù trải qua những thăng trầm vẫn tồn tại và phát triển.
Phú Yên là một trong những tỉnh đầu tiên phát triển phương pháp DSTT và duy trì tốt đến hôm nay. Hơn 20 năm qua, việc chữa bệnh bằng DSTT đã thu hút người dân địa phương đến với trung tâm nói chung và các câu lạc bộ (CLB) DSTT nói riêng ngày càng đông, góp phần đẩy lùi hàng chục căn bệnh nhờ phương pháp DSTT. Điển hình là huyện Sông Hinh, địa phương có phong trào luyện tập DSTT phát triển mạnh với CLB DSTT huyện Sông Hinh và 3 CLB cấp xã tại thị trấn Hai Riêng, xã Sơn Giang, xã Đức Bình Đông, cùng các điểm tập. Toàn tỉnh hiện có 5 huấn luyện viên, gần 100 hướng dẫn viên hoạt động tại 20 CLB và 21 điểm tập tại nhà. Trung bình mỗi ngày có gần 900 người tham gia tập luyện. Các huấn luyện viên, hướng dẫn viên có tâm và rất nhiệt tình, góp phần giúp bà con đẩy lùi bệnh tật; trong đó có những người đã chạy chữa rất tốn kém nhưng không có kết quả, sau khi đến với DSTT thì khỏi bệnh.
Hoạt động DSTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đóng góp một phần không nhỏ cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Phương pháp DSTT đã góp phần giảm thiểu gánh nặng chi phí cho người bệnh, điều này hết sức có ý nghĩa với mọi người, đặc biệt là với những bệnh nhân nghèo. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền lợi ích của phương pháp DSTT để khích lệ, phát triển phong trào. Chúng tôi mong muốn trung tâm ngày càng phát triển, thu hút nhiều nhà khoa học tham gia. Đặc biệt, hoạt động này cần được các cấp lãnh đạo quan tâm về ngân sách; cộng đồng chung tay đóng góp...
ĐỖ NGỌC MỸ
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hướng dẫn
ứng dụng luyện tập dưỡng sinh tâm thể Phú Yên)