Đây là một trong những rối loạn khá phổ biến của hệ thần kinh, ước tính có khoảng 50% người trưởng thành có ít nhất một lần đau đầu trong năm. Rối loạn đau đầu không chỉ gây đau đầu đơn thuần mà còn làm kiệt sức. Nỗ lực điều trị các rối loạn đau đầu mãn tính mất khá nhiều thời gian, tùy thuộc vào từng cá nhân và tình trạng bệnh lý.
CÁC LOẠI RỐI LOẠN ĐAU ĐẦU HAY GẶP
Đau nửa đầu (migraine): Là rối loạn đau đầu đứng hàng đầu.
Đau nửa đầu thường bắt đầu ở tuổi dậy thì và hay gặp nhất là ở lứa tuổi 35-45.
Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam, thường theo tỉ lệ 2:1, bởi vì nó có liên quan đến hoóc môn.
Migraine được gây ra bởi cơ chế sâu trong não dẫn đến giải phóng các chất trung gian hướng thần kinh ở các đầu mút dây thần kinh, các mạch máu dẫn đến co mạch và gây đau. Đau đầu migraine thường đau kéo dài và tái phát nhiều lần.
Triệu chứng điển hình của đau nửa đầu bao gồm: đau đầu vừa hoặc dữ dội; đau nửa đầu; đau lúc dữ dội, có lúc giảm; cơn đau sẽ trầm trọng hơn khi vận động thể lực; cơn đau kéo dài 2-3 giờ trong ngày; buồn nôn; cơn đau có thể xảy ra bất kỳ ở đâu trong tuần, năm, ở trẻ em cơn đau có thể ngắn hơn và cần phải chú ý các triệu chứng bụng tránh bỏ sót các bệnh lý khác.
Đau đầu loại căng tức đầu (TTH: Tension - type headache): TTH cũng là rối loạn đau đầu phổ biến hàng đầu.
Các báo cáo cho thấy loại rối loạn đau đầu này chiếm trên 70% dân số. TTH mãn tính xảy ra hơn 15 ngày trong tháng, xảy ra 1-3% ở người trưởng thành. TTH thường bắt đầu ở lứa tuổi vị thành niên, tần suất bị ở nữ nhiều hơn nam. Cơ chế bệnh lý có thể là do căng cơ có liên quan đến các cơ vân vùng cổ.
Bệnh cảnh lâm sàng của TTH luôn kéo dài nhiều giờ, nhưng cũng có thể nhiều ngày. TTH mãn tính có thể kéo dài không ngừng và hay gặp hơn TTH cấp.
Những đau đầu này được mô tả là cảm giác căng hoặc tức giống như băng chặt quanh đầu, đôi khi kéo dài cho đến cổ.
Đau đầu từng cơn (CH: Cluster Headache): Là một rối loạn đâu đầu khá phổ biến ở người trưởng thành, với tỉ lệ 6 nam/1 nữ. Hầu hết những người bị CH đều ở lứa tuổi 20 hoặc hơn.
Đặc điểm của CH là đau lặp đi lặp lại (nhiều lần trong ngày), cơn đau ngắn nhưng dữ dội, thường đau khu trú ở xung quanh hốc mắt, kèm theo chảy nước mắt và đỏ mắt, chảy nước mũi hoặc đau lan đến mí mắt và có thể sụp mí mắt một bên. CH có hai loại là CH mãn tính và cấp tính.
Đau đầu do lạm dụng thuốc (MOH: Medication-overuse headache): MOH gây ra bởi sử dụng quá nhiều và kéo dài các thuốc điều trị đau đầu. Loại rối loạn đau đầu này chiếm 5% trong dân số, phụ nữ nhiều hơn nam giới.
MOH là những rối loạn đau đầu nhiều ngày, đau tức, dai dẳng và thường đau nhiều nhất khi ngủ dậy.
Ảnh minh họa: Internet |
ĐIỀU TRỊ
Để điều trị hiệu quả các rối loạn đau đầu, nhân viên y tế phải được huấn luyện bài bản, chẩn đoán chính xác và chỉ định đúng thuốc với chi phí phù hợp, thay đổi lối sống và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân.
Các nhóm thuốc chính để điều trị rối loạn đau đầu bao gồm: thuốc giảm đau, thuốc chống nôn, thuốc chống đau nửa đầu đặc hiệu và các thuốc dự phòng.
BS NGUYỄN VINH QUANG
(Dựa theo: Headache disorders WHO - Fact sheet. April 2016)