Bệnh viêm màng não do mô cầu khuẩn là bệnh gì, diễn tiến lâm sàng như thế nào, mức độ nguy hiểm ra sao là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn não mô cầu có tên khoa học là Neisseria Meningitidis gây nên. Loại vi khuẩn này có 13 nhóm, trong đó có 6 nhóm gây bệnh chính là A, B, C, W135, X và Y.
Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể có thể gây nên viêm hầu họng đơn thuần, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Viêm màng não mủ là một tình trạng bệnh lý rất nặng, diễn tiến nhanh và tỉ lệ tử vong rất cao có khi lên đến 60-70%.
Về dịch tễ học, viêm màng não do não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và bệnh có thể bùng phát thành dịch. Hơn nữa, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ hàng ngày như ly, tách, điện thoại, các dụng cụ cầm nắm hàng ngày khác. Trong các môi trường tiếp xúc gần gũi, đông đúc tập thể như trường học, nơi cắm trại, công sở, xí nghiệp, nhà máy..., nguy cơ lây truyền cao.
Điều đáng chú ý là trong điều kiện bình thường, khoảng 5-10% dân số mang vi khuẩn Neisseria Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh lý. Trong số này có thể có chủng gây bệnh hoặc chủng lành tính. Tuy người mang khuẩn không có biểu hiện bệnh lý nhưng trong một số trường hợp, việc lây nhiễm vi khuẩn này sang người khác có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh. Việc lây truyền không thật sự dễ dàng trên thực tế. Chỉ có khoảng 3-4% người sống chung nhà với bệnh nhân nhiễm não mô cầu bị nhiễm thứ phát. Tuy nhiên, nếu ca bệnh đã được khẳng định thì việc phòng ngừa bằng thuốc cần được tiến hành ngay trên người có tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng vài ngày đầu sau khi phát bệnh.
Sau đây là một số biện pháp cơ bản mọi người cần thực hiện để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này:
Thực hiện tốt biện pháp vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt; tránh các tiếp xúc gần gũi với người khác, nếu có thể; tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng; nếu bạn có triệu chứng nhiễm bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế.
Đối với những người có tiếp xúc với bệnh nhân cần đến cơ quan y tế để được sử dụng kháng sinh dự phòng theo chỉ định của thầy thuốc, tuy nhiên phòng ngừa bằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Song song với các biện pháp nói trên mọi người cần ăn uống đủ chất, lao động sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên