Thứ Hai, 14/10/2024 12:19 CH
Chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika
Thứ Hai, 15/02/2016 08:04 SA

Trong vòng 2 tháng qua, cả thế giới phập phồng lo sợ trước sự bùng phát và lây lan nhanh của một dịch bệnh mới, bệnh do vi rút Zika gây nên.

 

Muỗi Aedes được cho là nguyên nhân truyền vi rút Zika - Ảnh: Shutterstock

 

Mặc dù loại vi rút này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947, nhưng trong vòng nhiều năm chỉ có một vài trường hợp mắc bệnh rải rác ở một số quốc gia châu Phi và Nam Á. Kể từ năm 2013, các ca bệnh nhiều hơn và bùng phát thành dịch đã được ghi nhận ở Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Vào những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, dịch bệnh do nhiễm vi rút Zika bùng phát ở Brazil và nhanh chóng lây lan ra nhiều quốc gia trong khu vực và toàn thế giới. Theo số liệu ghi nhận được, tính đến đầu tháng 2/2016, dịch bệnh do nhiễm vi rút Zika đã có hàng chục ngàn người mắc và lây lan ra trên 30 quốc gia ở châu Mỹ, châu Phi, châu Âu. Gần đây, các ca bệnh được ghi nhận tại Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa đưa ra mức độ cảnh báo toàn cầu, nhưng khuyến cáo tất cả các quốc gia trên thế giới về mức độ bùng phát và nguy hiểm khi nhiễm vi rút Zika và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

 

Vi rút Zika (viết tắt là ZIKV) là một vi rút thuộc họ Flaviviridae được phân lập lần đầu tiên từ một con khỉ Rhesus trong rừng Zika của Uganda vào năm 1947. Năm 1968, vi rút này được phân lập trên người đó là các cư dân của Nigeria. Năm 2015, lần đầu tiên ZIKV được tìm thấy bên ngoài châu Phi và châu Á khi nó được phân lập ở Brazil, tại đây xuất hiện một ổ dịch nhỏ.

 

ZIKV có quan hệ với các vi rút khác thuộc họ Flaviviridae được lan truyền bởi muỗi như sốt xuất huyết, sốt vàng da.

 

Vi rút này hiện diện khắp nơi trên thế giới, chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi, và có thể lây lan qua đường tình dục. Do đó, ZIKV trở thành một tác nhân gây bệnh mới nổi quan trọng tác động trên phạm vi toàn cầu chưa lường trước được.

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm ZIKV. Tuy nhiên, nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền ZIKV; đồng thời, hiện nay ZIKV đã được ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động nên nguy cơ ZIKV có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta là rất cao. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta.

 

Dịch bệnh Zika lây truyền chủ yếu do muỗi, loại muỗi trung gian truyền bệnh Zika là loại muỗi Aedes, loại muỗi này cũng là loại trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Hơn nữa gần đây, một bệnh nhân ở Mỹ được xác định nhiễm ZIKV từ bạn tình của mình qua đường tình dục. Như vậy, bên cạnh muỗi truyền bệnh, ZIKV còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Điều này cho thấy mức độ phức tạp của dịch bệnh, đó chính là những thách thức cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh này.

 

Khi bị nhiễm ZIKV, người bệnh có các triệu chứng như: đau đầu, sốt phát ban dát sần bao phủ một phần cơ thể. Ngoài ra, trong cơn sốt thường kèm với đau lưng và một cảm giác chung của người bệnh là thấy khó chịu. Các triệu chứng thường không nặng nề và thường khỏi sau vài ngày, ít có biến chứng nặng xảy ra.

 

Tuy nhiên nguy hiểm của nhiễm ZIKV là ở phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm ZIKV có thể xâm nhập vào não của trẻ gây nên “Hội chứng đầu nhỏ ở trẻ”, hậu quả là những đứa trẻ của các bà mẹ bị nhiễm ZIKV có não không phát triển, đần độn...

 

Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu khi bị nhiễm ZIKV, cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, phòng muỗi đốt.

 

Vì vậy, mọi người, mọi gia đình cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi, đề phòng muỗi đốt và bảo vệ sức khỏe của chính mình theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng ngừa dịch bệnh Zika, đồng thời dập tắt được dịch bệnh sốt xuất huyết. Có thể nói, việc tăng cường vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, đề phòng muỗi đốt... là biện pháp tốt nhất, vừa góp phần dập tắt dịch sốt xuất huyết đồng thời tránh nguy cơ mắc bệnh Zika. 

 

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết: Sở Y tế đã có công văn đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika. Theo đó, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế đối với các ca bệnh sốt xuất huyết, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh để xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch. Các đơn vị này phải nhanh chóng lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ bệnh gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định. Các trung tâm y tế tổ chức giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika lồng ghép vào hoạt động giám sát ca bệnh sốt xuất huyết Dengue và tăng cường các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng tương tự phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes là loại muỗi truyền bệnh Zika, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika có thể xâm nhập.

 

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sản - Nhi Phú Yên và bệnh viên đa khoa các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư để thu dung, điều trị các ca bệnh nghi ngờ do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết Dengue và các bệnh dịch nguy hiểm khác theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời báo cáo tình hình dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố theo đúng quy định. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết Dengue và các bệnh dịch khác để người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của bệnh…

 

HOÀI TRUNG

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek