Thứ Ba, 26/11/2024 11:40 SA
Bảo hiểm Y tế:
“Phao cứu sinh” cho người nhiễm HIV/AIDS
Thứ Năm, 31/12/2015 09:27 SA

Tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 tại TP Tuy Hòa - Ảnh: Y.LAN

Hiện nay, 90% số lượng thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ. Trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh, nếu không có nguồn tài chính thay thế, nhiều người nhiễm HIV có thể không được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV hoặc không được tiếp tục điều trị. 

 

Bệnh nhân không được duy trì điều trị sẽ dẫn đến kháng thuốc và phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, bảo hiểm y tế (BHYT) chính là giải pháp bền vững, là “phao cứu sinh” cho những bệnh nhân HIV/AIDS. Mặt khác, khi người nhiễm HIV phải bỏ tiền mua bảo hiểm, chi trả một phần viện phí thì họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị, giảm nguy cơ nhờn thuốc, không phải chuyển sang phác đồ điều trị cao hơn và tốn kém hơn.

 

KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI

 

Mặc dù BHYT chính là “phao cứu sinh” cho người nhiễm HIV/AIDS, tuy nhiên để 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT là điều khó khăn bởi đa phần họ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có tiền mua BHYT. Mặt khác, đa số bệnh nhân nhiễm HIV là người ngoài tỉnh không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không có giấy tờ cần thiết nên không thể đăng ký tham gia BHYT tự nguyện.

 

Bên cạnh đó, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHYT vì họ đang được điều trị miễn phí. Đồng thời, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS của cộng đồng còn ở mức cao nên người nhiễm sợ, không muốn tiết lộ danh tính để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vấn đề cốt lõi là làm sao để họ hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHYT là ngoài việc được điều trị HIV miễn phí, họ còn được chữa trị khi mắc phải các bệnh khác.

 

GIẢI PHÁP ĐỂ ĐIỀU TRỊ ARV LÂU DÀI, BỀN VỮNG

 

Nhiều người nhiễm HIV/AIDS đang băn khoăn về mức đóng góp khi tham gia BHYT. Theo quy định hiện hành, mức đóng góp chung khi tham gia BHYT là 4,5% mức lương cơ sở (khoảng 621.000 đồng/năm). Chi phí bình quân cho một bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV bậc 1 khoảng 6 triệu đồng/năm. Chi phí bình quân cho một bệnh nhân nội trú liên quan đến HIV/AIDS là 4,3 triệu đồng/đợt điều trị.

 

Nếu bạn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hợp đồng thì tiền mua BHYT sẽ do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp. Nếu bạn là người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo hoặc trẻ em dưới 6 tuổi thì được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Nếu bạn là học sinh, sinh viên, người thuộc hộ cận nghèo... thì được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT. Nếu bạn không thuộc các đối tượng trên thì tham gia BHYT hộ gia đình (tức là tất cả thành viên trong gia đình tham gia BHYT). Người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ 2 chỉ phải đóng 70% so với người thứ nhất. Người thứ 3 còn 60%, người thứ 4 còn 50% và từ người thứ 5 trở đi chỉ còn 40%. Cũng theo quy định hiện nay, nếu người nhiễm HIV đã tham gia BHYT thì vẫn tiếp tục được tham gia BHYT mà không cần phải tham gia theo cả hộ gia đình. Đó là số tiền không quá lớn khi so sánh với việc bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như việc điều trị bằng ARV nói riêng, bởi phải điều trị liên tục, suốt đời. Vì vậy, người nhiễm HIV ngay từ bây giờ cần vượt qua rào cản tự ti, chủ động tham gia BHYT. Đó chính là giải pháp để điều trị bằng thuốc ARV lâu dài và bền vững. Đó là cách tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình.

 

Hầu hết dịch vụ mà người nhiễm HIV/AIDS đang được hưởng miễn phí tại cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay đều được thanh toán qua BHYT. Người nhiễm HIV tham gia BHYT được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT. Khi họ sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả: thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT (xét nghiệm đếm tế bào CD4, tải lượng vi rút…); kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội (điều trị bằng Cotrimoxazol, Isoniazid…).

 

Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh không tăng nhanh như trước đây, số người nhiễm HIV tăng chậm nhưng vẫn chưa ổn định; địa bàn dịch HIV/AIDS càng rộng hơn. Hiện có hơn 90% số xã và 98,9% số huyện trong cả nước có người nhiễm HIV. Một trong những nguyên nhân làm cho dịch HIV/AIDS trở nên phức tạp là sự thiếu hiểu biết của người dân trong cách tự bảo vệ chính mình và sự kỳ thị, định kiến với người nhiễm HIV/AIDS.

 

Cả nước đã phát hiện 227.114 người nhiễm HIV, trong đó có 71.115 bệnh nhân AIDS hiện còn sống, 74.442 người đã tử vong do AIDS. Tại Phú Yên, số người nhiễm HIV là 636, chuyển sang giai đoạn AIDS là 272 và tử vong do AIDS là 176 người.

 

BS LÂM NHƯ PHẬN

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek