Mấy năm gần đây, tình hình sốt xuất huyết (SXH) ở huyện miền núi Sơn Hòa diễn biến phức tạp, số ca mắc cao. Tính từ đầu năm đến nay, Sơn Hòa là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, với hơn 320 trường hợp. Mặc dù các ngành chức năng của huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, song số ca mắc SXH vẫn tăng, trong khi người dân chưa phối hợp tốt trong phòng bệnh.
SỐ NGƯỜI MẮC SỐT XUẤT HUYẾT TĂNG NHANH
Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa trong mấy tháng qua thu nhận nhiều bệnh nhân SXH đến điều trị. Khoa Nội - Nhi - Lây của bệnh viện chỉ có 65 giường, tuy nhiên, trong tháng 10 và 11 có thời điểm tiếp nhận điều trị cho 110 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân mắc SXH ngày cao điểm có đến 30 trường hợp. Để khắc phục tình trạng thiếu giường bệnh và thiếu bác sĩ điều trị, bệnh viện đã thực hiện các giải pháp kê thêm giường bệnh và tăng cường bác sĩ từ các khoa, phòng khác.
Theo bác sĩ Lê Quang Tấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, bệnh nhân phần lớn là người lớn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các trường hợp trẻ em, phụ nữ có thai, người già, bệnh viện phải theo dõi thường xuyên. Sau khi bệnh nhân hồi phục, xuất viện, các bác sĩ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người bệnh và gia đình về cách phòng, chống bệnh SXH.
Bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, cho biết: “Vì được tập huấn liên tục nên công tác điều trị tại bệnh viện được chú trọng, thực hiện đúng phác đồ của Bộ Y tế. Trong tình hình ca bệnh tăng cao, bệnh viện tăng cường bác sĩ cho khoa xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán kịp thời. Bệnh viện thực hiện tốt công tác hội chẩn, chuyển viện những trường hợp cảnh báo”.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 321 trường hợp mắc SXH, 17 ổ dịch nhỏ. Điều đáng nói là số người mắc SXH ở địa phương này chỉ rải rác trong những tháng đầu năm, nhưng hơn một tháng qua, số người mắc bệnh tăng cao, có tuần lên đột biến với 32 trường hợp. Theo bác sĩ Trần Như Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, các xã có số bệnh nhân mắc SXH cao hiện nay là Suối Bạc, Sơn Hà, thị trấn Củng Sơn. Nguyên nhân số người mắc bệnh này tăng cao là do thời tiết nắng, mưa xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Nhiều hộ dân vẫn để các dụng cụ chứa nước không đậy kín, tạo cơ hội cho muỗi gây bệnh đẻ trứng.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG
Tuy chưa có trường hợp tử vong ở địa phương này, nhưng diễn biến của bệnh gây áp lực lớn đối với những người làm công tác y tế và chính quyền địa phương. Kiến thức của đa số người dân về phòng chống loại bệnh này còn rất hạn chế. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa sốt rét và SXH nên chưa chủ động các biện pháp phòng, tránh bệnh.
Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Về lâu dài, hoạt động truyền thông các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, vận động tổng vệ sinh xử lý triệt để các ổ dịch… tiếp tục được đẩy mạnh.
Trước tình hình bệnh SXH gia tăng, từ tháng 9 đến nay, ngành Y tế huyện Sơn Hòa đã tổ chức hai lần phun hóa chất xử lý môi trường. Cùng với đó, ngành cũng vận động người dân vệ sinh các điểm nước tù đọng, diệt bọ gậy. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về bệnh SXH nên đa số người dân chưa chủ động các biện pháp phòng, tránh bệnh. Một số hộ gia đình có thói quen trữ nước ngọt để dùng, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Bác sĩ Trần Như Tiến cho rằng, các xã, thị trấn có ca mắc bệnh cao cần thành lập các tổ, đoàn giám sát kiểm tra và có cam kết của từng hộ gia đình, nhất là hộ có mật độ bọ gậy cao. Để dập tắt dịch bệnh SXH, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, huyện cần phải giao trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, tránh dịch bệnh cho chính quyền các địa phương và nâng cao kiến thức cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mùa mưa đến là điều kiện để dịch SXH phát triển mạnh. Theo dự báo của ngành Y tế, cao điểm SXH sẽ còn kéo dài đến tháng 12 của năm. Vì vậy, ngành đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, quan trọng nhất là từng gia đình phải chủ động vệ sinh môi trường không để dịch bệnh phát sinh, lây lan và phát triển. Bác sĩ Trần Như Tiến cho biết: Trong thời gian tới, huyện Sơn Hòa sẽ tăng cường công tác truyền thông phòng chống SXH Dengue; duy trì công tác tổng vệ sinh diệt bọ gậy hàng tuần tại các địa phương có ổ dịch; thực hiện cấp cứu kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đồng thời khuyến cáo mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; khi mắc bệnh SXH phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Cuối tháng 10, UBND huyện Sơn Hòa tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue. Huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt việc diệt bọ gậy. Ngành Y tế huyện tiếp tục hướng dẫn các xã giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, có biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH; Phòng Văn hóa -Thông tin và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế làm tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống SXH.
Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Nay Y Blung