Tuần lễ truyền thông trên khắp cả nước về phòng chống kháng thuốc bắt đầu từ ngày 16 sẽ khép lại sau ngày 22/11 nhưng công cuộc chống kháng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, vẫn như mới bắt đầu.
Bởi vì quy định nghiêm cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn đã có từ năm 2006 nhưng hiện vẫn có 88 - 91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn, chưa kể hai triệu chứng thường được mô tả mua kháng sinh nhiều nhất là ho (gần 32%) và sốt (gần 22%) lại là những triệu chứng chưa hẳn cần dùng kháng sinh để điều trị. Ngoài ra, theo ông Cao Hưng Thái - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khoảng 75% thuốc kháng sinh sử dụng ở các bệnh viện, phòng khám được nghiên cứu là chưa thích hợp.
Từ năm 2013, sự kiện hơn 2 triệu người Mỹ bị kháng thuốc kháng sinh đã đánh động xã hội Mỹ. Các tập đoàn chăn nuôi phải loại trừ dần việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Tổng thống Obama đề nghị quốc hội tăng gấp đôi ngân sách cho cuộc chiến chống lại các loại vi khuẩn kháng thuốc. Ông tổ chức hội nghị tại Nhà Trắng, thúc đẩy cam kết từ phía các công ty dược, bệnh viện, tập đoàn chăn nuôi về việc tránh sử dụng kháng sinh quá nhiều. Ai cũng nhận ra hiểm họa từ việc vi khuẩn kháng thuốc nhiều hơn đến việc tăng cao chi phí điều trị y tế, không còn là điều mang tính dự đoán mà đã hiển hiện rõ trên các con số thiệt hại.
Và chuyện kháng thuốc kháng sinh đâu phải ở xứ Mỹ xa xôi khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo kháng thuốc kháng sinh có thể trở thành “cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu”. GS Nguyễn Chấn Hùng, một thầy thuốc đầu ngành về điều trị ung thư, nói rằng “chúng ta đang đi vào kỷ nguyên hậu kháng sinh”, rằng “chuyện lờn thuốc là vấn đề lớn, nguyên nhân không nên tập trung vào chuyện dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ của người dân”.
Vì sao? Vì quy định phạt nơi bán thuốc kê toa mà không cần toa có cũng như không? Việc quản lý 30.000 nhà thuốc là quá sức với Bộ Y tế?
Người làm công tác quản lý cũng không thể đẩy trái bóng “hệ lụy kháng thuốc” cho người bệnh khi vẫn xuất hiện nhiều toa thuốc dùng kháng sinh không hợp lý, những nhà thuốc bán thuốc kháng sinh bừa bãi đều là công khai, hợp pháp?
Rồi chúng ta thường xuyên đọc những thông tin: gia súc, gia cầm, thủy sản được cho dùng thuốc kháng sinh và sau chế biến vẫn còn tồn dư chất này.
Dẫn ra như thế để thấy rằng trách nhiệm đang nằm ở trong tay Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. Nếu không mạnh tay với nạn bán thuốc bừa bãi, đưa những quy định bán thuốc kê toa vào nề nếp thì không chỉ sức khỏe người dân bị ảnh hưởng mà ngay ngành y tế cũng phải gánh chịu hậu quả do nạn lờn thuốc, quá tải, tốn kém tiền của...
Tuy nhiên, trước khi được “trời cứu”, mỗi người chúng ta cần tự cứu mình. Thời kỳ vật chất nhiều hơn, nhưng không sạch, bệnh vì thế cũng nhiều hơn. Điều này khiến dịch vụ y tế quá tải, người dân thiếu đủ đường đành tự giải quyết.
Vì thế nhiều người quyết định tiếp cận thuốc trực tiếp thay vì làm theo toa bác sĩ, thậm chí làm thay bác sĩ khi kê toa. Nhưng thuốc kháng sinh không phải là kẹo, thích thì uống, không thích thì ngưng. Nóng người một tí, sụt sịt một chút là mua thuốc.
Khỏe đâu chưa thấy, hệ lụy là một tương lai rất gần, thuốc kháng sinh không thể còn cứu được chúng ta khi vi khuẩn bệnh đã kháng lại với tất cả thuốc kháng sinh, vì chúng đã trở nên rất mạnh mẽ trước thói quen dùng thuốc bừa bãi của con người.
Theo TTO