Ở Việt Nam, nhiều bệnh có nguồn gốc từ động vật gây bệnh ở người gây tử vong cao như: dại, than, nhiễm liên cầu khuẩn lợn, cúm A/H5N1 hay những bệnh lý có thể dẫn đến u gan như sán lá gan. Nhiều bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao, nhưng cách phòng bệnh khá đơn giản. Chúng tôi xin giới thiệu khái quát cách phòng một số bệnh lây từ động vật sang người.
1. Cúm A/H5N1: Đây là bệnh lý do vi rút cúm A gây nên. Loại vi rút này cư trú trong gia cầm, thủy cầm (gà, vịt), nhưng khi tồn tại trong gia cầm thì phần lớn không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Loại vi rút này gây bệnh cúm A/H5N1 ở người hết sức nguy hiểm (tỉ lệ tử vong cao trên 50%) nếu người sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm bị bệnh. Cho đến nay, cúm A/H5N1 ở người chủ yếu vẫn là lây từ gia cầm sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Vì vậy, để phòng bệnh này, mọi người không ăn gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn thịt gia cầm bệnh, không ăn tiết canh gia cầm.
2. Liên cầu khuẩn lợn: Đây là bệnh nhiễm liên cầu lợn, do ăn tiết canh lợn (loại vi khuẩn này cư trú trong đường hô hấp của lợn). Liên cầu lợn cũng có thể xâm nhập vào người qua các vết xây xát trên da (ở những người làm nghề giết mổ lợn). Bệnh liên cầu khuẩn lợn gây triệu chứng lâm sàng hết sức nặng nề, gây nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng như gan, thận, nhiễm độc và tỉ lệ tử vong rất cao. Mặc dù nguy hiểm nhưng bệnh lý này lây từ lợn sang người nên biện pháp phòng bệnh sẽ rất hiệu quả bằng cách không ăn tiết canh lợn, không tiếp xúc với lợn bệnh. Những người làm nghề giết mổ cần trang bị bảo hộ lao động.
3. Bệnh than: Bệnh than do vi khuẩn than gây nên. Loại vi khuẩn này tồn tại trong trâu, bò và các loại động vật ăn cỏ khác. Mầm bệnh xâm nhập vào người qua da niêm mạc (qua các vết xây xát) hoặc qua đường tiêu hóa (ăn phải thịt có mầm bệnh), qua đường hô hấp (hít phải mầm bệnh)...
Phòng bệnh than bằng cách thực hiện kiểm soát giết mổ động vật chặt chẽ. Công nhân làm việc trong môi trường chăn nuôi trâu bò, dê, cừu... thực hiện nghiêm quy trình bảo hộ lao động. Chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.
4. Bệnh sán lá gan: Sán lá gan gây bệnh cho người khi ăn các loại cá mang mầm bệnh, các cá sống ở những vùng nước đọng, nhiều bùn, trong các đầm sình lầy thường mang mầm bệnh (cá diếc). Khi ăn cá có mầm bệnh sán sẽ xâm nhập vào người đến cư trú ở gan gây tổn thương gan. Phòng bệnh sán lá gan khá đơn giản, không ăn cá sống (gỏi cá sống), tuyệt đối ăn chín uống sôi.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên