* Bộ Y tế khuyến cáo vắcxin 6 trong 1 còn khan hiếm tới năm 2016
Chiều 4/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông báo kết quả chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi và rubella là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây nên. Bệnh có tính lây truyền cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc. Đáng lo ngại hơn, cả bệnh sởi và rubella đều không có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiêm vắcxin là cách tốt nhất và chủ động để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này. Vào những tháng đầu năm 2014, trước tình hình dịch sởi bùng phát dữ dội tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước làm rất nhiều trẻ nhỏ mắc và tử vong, Bộ Y tế đã quyết định triển khai chiến dịch tiêm chủng vắcxin sởi - rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 9/2014 đến tháng 5/2015.
Sau gần 10 tháng triển khai, đến nay, chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 - 14 tuổi trong cả nước đã kết thúc với kết quả rất đáng khích lệ. Gần 20 triệu trẻ em từ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc đã được tiêm vắcxin đạt tỉ lệ 98,2% số trẻ được tiêm vắcxin. 100% số huyện đều đạt tỉ lệ tiêm vắcxin sởi - rubella trên 95%. Trên quy mô xã, phường có 11.150 xã/11.173 xã đạt tỉ lệ tiêm trên 95%. Đến nay chỉ còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt tỉ lệ thực hiện tiêm chủng 95% nên các ngành y tế tại một số tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục, phấn đấu cả nước đạt 100% số xã đạt tỉ lệ tiêm trên 95% trong tháng 8/2015.
Từ kết quả và thành công của chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella đã góp phần rất lớn trong việc khống chế dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Qua giám sát dịch tễ cho thấy, tính đến hết 7 tháng năm nay, cả nước chỉ ghi nhận 80 trường hợp mắc sởi rải rác tại 37 tỉnh, thành phố và đặc biệt không ghi nhận ổ dịch nào. So với năm 2014 thì số ca mắc sởi ở trẻ em trong những tháng qua của năm 2015 đã giảm hàng trăm lần (năm 2014, toàn quốc ghi nhận hơn 15.000 ca sởi tại tất cả các tỉnh thành với hơn 100 bệnh nhi tử vong tại nhiều ổ dịch).
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sau thành công của chiến dịch tiêm vắcxin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi, Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vaccine này cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, từ 15 - 25 tuổi trên cả nước.
Cũng tại buổi họp báo, phó giáo sư Trần Đắc Phu khẳng định: “Hiện vắcxin đa giá 6 trong 1 vẫn đang rất khan hiếm và đến năm 2016 tình hình cũng không khả quan hơn”. Cũng theo ông Phu, nguyên nhân của tình trạng này do đơn vị sản xuất loại vắcxin này đang trong quá trình thay đổi địa điểm, dây chuyền sản xuất. Ông Phu cho rằng người dân có tâm lý cho rằng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hàng nội và thích hàng ngoại nên đi tiêm dịch vụ. “Nhưng vắcxin tiêm chủng mở rộng cũng có các vắcxin ngoại và tiêm chủng dịch vụ cũng có sử dụng vắcxin nội. Hơn nữa, vắcxin nội cũng phải đảm bảo chất lượng mới được đưa vào sử dụng”, ông Phu chia sẻ.
Trước tình trạng người dân xếp hàng chờ mua vắcxin 6 trong 1 trong khi vắcxin này đang khan hiếm, ông Phu khuyên người dân hãy có các lựa chọn khác để đảm bảo an toàn cho con em mình. Cụ thể, người dân có thể tiêm vắcxin Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1, phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib), các vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người dân băn khoăn không lựa chọn các vắcxin này do lo ngại phản ứng phụ, ông Phu cho rằng các vắcxin đều đã được kiểm định đạt chất lượng an toàn mới được đưa vào tiêm chủng. Trẻ có thể có biểu hiện sốt nhẹ sau tiêm nhưng các phản ứng này sẽ hết sau một ngày. "Hiện Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vắcxin. Quy trình tiêm chủng cũng được Bộ Y tế quy định chặt chẽ. Vì thế, người dân nên tin tưởng vào chất lượng vắcxin và cho con em đi tiêm chủng đúng độ tuổi thay vì chờ đợi vắcxin 6 trong một,” ông Phu nói.
* Năm 2016, trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em sẽ được bổ sung thêm vắcxin bại liệt tiêm. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắcxin phòng chống bệnh tiêu chảy do virus Rota và đã được cấp phép lưu hành. Vì thế, trong thời gian tới, loại vắcxin này cũng sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là những thông tin được ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí chiều ngày 4/8. Theo ông Đức Anh, tiêu chảy do virus Rota là một trong những bệnh khá thường gặp của trẻ ở Việt Nam. Vì thế, việc đưa vắcxin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa và làm hạn chế số ca mắc bệnh.
BTV (tổng hợp từ SGGPO, Vietnam+)