An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) liên quan đến tất cả các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Việc sử dụng không đúng theo quy định, chủng loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, phân bón trong nuôi trồng… đều là các yếu tố gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng sản phẩm. Hiện vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi từng khâu của dây chuyền thực phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.
Ngành Y tế quản lý 4.814 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong năm qua, toàn ngành kiểm tra 9.748 lượt, phát hiện 290 cơ sở vi phạm, trong đó 62 cơ sở bị phạt tiền, 152 cơ sở bị cảnh cáo và 76 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy 15 mẫu cà phê để kiểm nghiệm về hàm lượng cafein, 7 mẫu không đạt; lấy 3 mẫu nước kiểm nghiệm về chỉ tiêu vi sinh, 2 mẫu không đạt. Ngành Nông nghiệp kiểm tra 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện một cơ sở vi phạm. Ngành Công thương kiểm tra 803 vụ, phát hiện xử lý vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm: kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không đảm bảo điều kiện về ATVSTP buộc tiêu hủy tại chỗ 44 trường hợp hàng hóa quá hạn sử dụng gồm 1.575 đơn vị sản phẩm, thực phẩm, 70kg bánh kẹo các loại… |
CÒN NHIỀU TỒN TẠI
Theo Ban chỉ đạo liên ngành về chất lượng ATVSTP tỉnh, do ngành trồng trọt ở Phú Yên có quy mô nhỏ lẻ nên việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt cũng như kỹ thuật canh tác, phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm chưa kiểm soát được. Về chăn nuôi, tỉnh chưa kiểm soát được việc chăn nuôi ở hộ gia đình, đặc biệt chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng và giết mổ gia súc, gia cầm. Với việc nuôi trồng thủy sản, tỉnh chưa kiểm soát được hết các vùng nuôi, quá trình sơ chế, vận chuyển thủy sản. Tình trạng chứa tạp chất và dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm thủy sản vẫn còn khá phổ biến, ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu và tiêu dùng.
Việc chế biến thực phẩm chủ yếu là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể, nên ATVSTP chưa đảm bảo. Các cơ sở giết mổ gia cầm chủ yếu là thủ công, chưa đảm bảo vệ sinh thú y. Cùng với đó, việc chế biến thực phẩm dịch vụ thức ăn đường phố đang ngày càng phát triển ở các địa phương. Tình trạng vi phạm ATVSTP đối với dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố vẫn phổ biến.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, trên thực tế, việc kiểm soát tình trạng kinh doanh và lưu thông thực phẩm trên thị trường để cấp giấy phép đủ điều kiện cho các cơ sở còn nhiều khó khăn. Tình trạng buôn bán phụ gia không rõ nguồn gốc, phụ gia nhập lậu còn phổ biến và chưa có biện pháp kiểm soát có hiệu quả vấn đề kinh doanh phụ gia trong chợ.
Tình hình ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua trên toàn tỉnh được ghi nhận là xảy ra rải rác, không có vụ ngộ độc tập thể trên 30 người mắc. Một số trường hợp tử vong do độc tố tự nhiên (cá nóc, ốc biển) còn xảy ra trong bữa ăn gia đình.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, KIỂM TRA
Công tác phối hợp liên ngành trong thời gian qua có nhiều chuyển biến và đã phân cấp cụ thể cho từng ngành, giảm bớt sự chồng chéo giữa các ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quản lý như: Một số văn bản về thanh tra chuyên ngành về ATVSTP chưa ban hành kịp thời; công tác giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi của người dân chưa nhiều. Hoạt động quản lý ATVSTP ở một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa thật sự chặt chẽ, vẫn còn cơ sở chưa công bố tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP mà vẫn hoạt động…
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông ATVSTP nói chung; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nói riêng đến từng cơ sở sản xuất kinh doanh để họ ý thức được trách nhiệm với người tiêu dùng thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra theo đúng quy định về đảm bảo ATVSTP khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm, tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lặp gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi phát hiện cơ sở nào vi phạm, cần xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.
Các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP vẫn chưa đủ mạnh, số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP còn thiếu, chưa chuyên sâu để kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm về ATVSTP. Trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP còn thiếu. Việc thống kê quản lý cơ sở chưa đầy đủ dẫn đến việc kiểm tra giám sát định kỳ chưa nhiều. Đây là những việc hết sức khó khăn cho các cơ quan quản lý về ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Trong các đợt thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra phải lồng ghép công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền. Từng lĩnh vực chuyên ngành, các cơ sở được thành viên đoàn là đại diện chuyên ngành tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về ATVSTP hiện hành để cơ sở cập nhật thêm các quy định của pháp luật, kiến thức về ATVSTP nhằm đảm bảo thực hiện tốt các quy định về ATVSTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
VŨ HOÀNG